Trước tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng ven sông, ven biển, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Hỗ trợ xây dựng bản đồ sạt lở
Trước diễn biến phức tạp của sạt lở có xu thế ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo đó, tập trung xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, trong đó có bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa trong việc theo dõi, kiểm soát diễn biến sạt lở, nâng cao năng lực ứng phó, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại, ổn định dân sinh vùng ven sông, ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng; Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 185/TB-CP ngày 18/5/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương triển khai thực hiện việc rà soát, đánh giá, phân loại sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở đề xuất giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài; xây dựng bản đồ sạt lở, cập nhật dữ liệu các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm lên bản đồ trực tuyến (WEBGIS).
[Tình hình sạt lở diễn biến nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long]
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ các nhà quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng tiếp cận trực tuyến một cách nhanh chóng, chi tiết các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở, nhằm từng bước kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có văn bản hướng dẫn chi tiết địa phương triển khai thực hiện việc cắm biển cảnh báo tại các vị trí sạt lở để chủ động di dời những hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi an toàn, quản lý việc khai thác cát sỏi lòng sông, hạn chế việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, ven biển… làm gia tăng nguy cơ gây sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo điều kiện phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, cần khẩn trương xử lý 29 khu vực đặc biệt nguy hiểm bằng nguồn hỗ trợ của Chính phủ, triển khai 17 dự án với tổng đầu tư 3.446 tỷ đồng theo kế hoạch. Bên cạnh đó, xây dựng bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tổ chức cắm biển cảnh báo; chú trọng triển khai thực hiện việc điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp tổng thể phòng chống sạt lở, cấp bách bảo vệ bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng quy hoạch chỉnh trị sông gắn với quy hoạch sử dụng đất ven sông theo hướng dành không gian cho thoát lũ.
Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần điều tra, đánh giá, đề xuất giải pháp bảo vệ, củng cố, nâng cấp đê biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hiện trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau và các mô hình đã thí điểm việc giao đất, giao rừng ngập mặn cho doanh nghiệp quản lý, bảo vệ, khai thác.
Bên cạnh đó cần thí điểm mô hình giải pháp công trình thân thiện với môi trường, giá thành thấp, vật liệu địa phương để chống sạt lở, phát triển vùng bãi; xây dựng và thực hiện chiến dịch trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi biển ngập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng đề án bố trí lại dân cư ven sông, kênh rạch, di dời dân ra khỏi bờ sông, lòng kênh, rạch, ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở, đảm bảo cấp nước sạch và gắn với xây dựng nông thôn mới.
Về lâu dài, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường quản lý việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, điều tra, cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, cấp phép khai thác cát đảm bảo sự cân bằng tương đối; Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất các giải pháp thay thế cát san lấp và cát xây dựng, tiến tới không sử dụng cát để san lấp.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu toàn diện về sự thay đổi lòng dẫn, dòng chảy sông Mekong, chế độ thủy văn, cân bằng bùn cát. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế xã hội hóa trong huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và quản lý vùng ven sông...
Để giải quyết căn cơ tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, rất cần những giải pháp đồng bộ cả về chỉnh trị, sử dụng đất ven sông, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, bố trí lại dân cư... Có như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long mới có thể phát triển bền vững, mãi mãi tươi xanh và trù phú./.