Sáu start-up công nghệ nông nghiệp Việt vào chung kết MATCh 2018

Tại vòng chung kết, các ứng cử viên sẽ có cơ hội chia sẻ, học hỏi và hoàn thiện giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh với các chuyên gia, các nhà đầu tư, và cố vấn.
Sáu start-up công nghệ nông nghiệp Việt vào chung kết MATCh 2018 ảnh 1Giải pháp xử lý rơm, gốc rạ thành phân bón ngay tại ruộng của PADCO – Việt Nam có mặt trong vòng chung kết MATCh 2018. (Ảnh: TTXVNC)

Chương trình Thách thức Công nghệ Nông nghiệp vùng Mê Kông (MATCh) chính thức công bố danh sách 23 doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp có mặt trong vòng chung kết MATCh 2018.

[Nhật Bản thông qua dự luật thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định CPTPP]

Trong đó, có 6 doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, 7 doanh nghiệp đến từ Campuchia, Lào và Myanmar và 10 doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác cung cấp các giải pháp công nghệ nông nghiệp trên toàn cầu.

Cụ thể, MATCh là chương trình thúc đẩy khởi nghiệp dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar. Chương trình này được tài trợ bởi Chính phủ Australia và Ngân hàng phát triển châu Á đồng tổ chức bởi Sáng kiến Hỗ trợ Khu vực Tư nhân vùng Mê Kông (MBI), Giải thưởng Ngành thực phẩm châu Á tương lai - Future Food Asia Award, Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp Cốt lõi giai đoạn mở rộng (CASP).

Các ứng cửa viên tham gia tại vòng chung kết được lựa chọn ra từ 270 doanh nghiệp đăng ký, với quy trình lựa chọn cạnh tranh. Mục tiêu của MATCh 2018 nhằm tìm kiếm giải pháp công nghệ nông nghiệp và các mô hình kinh doanh mới nhằm thay đổi ngành công nghiệp tại Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng theo hướng phát triển bền vững và bao trùm.

Sáu start-up công nghệ nông nghiệp Việt vào chung kết MATCh 2018 ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

Bà Isabelle Decitre, nhà sáng lập và CEO của ID Capital - doanh nghiệp vận hành chương trình Future Food Asia Award Competition cho biết, “các doanh nghiệp tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã nắm bắt công nghệ và điều chỉnh tương đối nhanh chóng để các giải pháp dễ dàng ứng dụng cho các thị trường và khách hàng. Thêm vào đó, các nhà cung cấp giải pháp toàn cầu (những công ty dày dặn kinh nghiệm) tham gia hỗ trợ phát triển vào khu vực sẽ góp phần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ và tạo hình mẫu để các doanh nhân địa phương có thể học tập và phát triển.”

Tại vòng chung kết, các ứng cử viên sẽ có cơ hội chia sẻ, học hỏi và hoàn thiện giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh với các chuyên gia, các nhà đầu tư, và cố vấn. Bên cạnh đó, họ được tham dự khóa tập huấn để hoàn thiện mô hình kinh doanh và mở rộng kết nối.

Ngoài ra, các ứng cử viên này cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng sông Mekong (ngày 30 và 31/3) và trình diễn giải pháp, công nghệ của họ. Sau đó, các ứng viên được mời tham dự Cuộc thi Future Food Asia Award tổ chức Singapore (ngày 23/5).

Ông Phạm Duy Hưng, giám đốc điều hành, nhà sáng lập Công ty Phát triển Nông nghiệp Phương Nam (PADCO), một trong những đại diện của Việt Nam có mặt trong vòng chung kết chia sẻ,  “MATCh đã tạo dựng nên nền tảng tuyệt vời, giúp các doanh nghiệp kết nối trong hệ sinh thái công nghệ nông nghiệp. Chúng tôi thực sự đã chia sẻ và học hỏi rất nhiều từ các ứng viên và cố vấn. Tôi hy vọng rằng MATCh sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng tôi cùng tạo nên sự khác biệt trong khu vực sông Mekông”,

Khẳng định về điều này, ông Dominic Mellor, Giám đốc Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân (MBI) – Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân  hàng Phát triển Châu Á cam kết, “năm nay, các ứng cử viên đã đem đến những giải pháp công nghệ hết sức ấn tượng. MBI và các đối tác sẽ cùng chủ nhân của những sáng tạo công nghệ này triển khai các giải pháp, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp khu vực Tiểu vùng Mekong trở thành trung tâm cung cấp lương thực an toàn, dinh dưỡng hàng đầu cho thế giới”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục