Được Chính phủ duyệt dự án xây dựng bệnh viện 500 giường, tỉnh Bắc Kạn đã quyết định xây dựng Trung tâm đào tạo y tế theo để nâng cao chất lượng bệnh viện.
Dự án xây dựng Trung tâm đào tạo cán bộ y tế Bắc Kạn được Quỹ phát triển Saudi của Vương quốc Saudi Arabia cho vay theo hình thức ưu đãi.
Dự án được đầu tư từ vốn vay bởi Hiệp định vay số 1/553 ngày 01/11/2011 giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ phát triển Saudi (Vương quốc Saudi Arabia), với tổng mức đầu tư gần 349 tỷ VND, tương đương gần 17 triệu USD; trong đó chi phí cho phần xây lắp và tư vấn giám sát gần 14,5 triệu USD (từ nguồn vốn vay của Quỹ phát triển Saudi), các chi phí dịch vụ tư vấn khác thuộc vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Mục tiêu của dự án là xây dựng và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực bậc trung học về điều dưỡng, kỹ thuật y tế đáp ứng đủ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe trên các tuyến y tế của tỉnh Bắc Kạn với chất lượng tốt; đồng thời là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sau đại học về các chuyên ngành của tỉnh và các vùng xung quanh. Dự kiến năm đầu sẽ chiêu sinh khoảng 200-300 học viên cho hệ điều dưỡng, kỹ thuật y tế.
Trung tâm đào tạo cán bộ y tế tỉnh Bắc Kạn chính thức khởi công xây dựng từ tháng 11/2012. Dự kiến giữa năm 2014 dự án sẽ hoàn thành và tổ chức chiêu sinh khóa đầu tiên đào tạo cán bộ trình độ trung cấp, sau đó sẽ nâng dần lên đào tạo trình độ cao đẳng kỹ thuật y tế và đại học kỹ thuật y tế để cung cấp nguồn nhân lực y tế có chất lượng cho tỉnh Bắc Kạn và khu vực.
Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề, bổ túc sau đại học cho cán bộ y tế của tỉnh Bắc Kạn và của vùng; là cơ sở nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến cho toàn ngành y tế của tỉnh và tham gia hợp tác quốc tế về y tế.
Việc xây dựng Trung tâm đào tạo cán bộ y tế tỉnh Bắc Kạn vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa đảm bảo nguồn nhân lực y tế cho phát triển bền vững lâu dài, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc Bắc Kạn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn./.