Sẽ thanh kiểm tra hãng tàu nước ngoài tự ý phụ thu nhiều loại phí hàng hải

Cục Hàng hải Việt Nam vừa đưa ra hàng loạt các giải pháp để siết chặt việc các hãng tàu nước ngoài phụ thu nhiều loại phí dịch vụ hàng hải khiến các chủ hàng “than trời”.

Các hãng tàu nước ngoài hiện đang phụ thu nhiều loại phí khiến các chủ hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn về mức giá. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các hãng tàu nước ngoài hiện đang phụ thu nhiều loại phí khiến các chủ hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn về mức giá. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến thưc trạng các hãng tàu nước ngoài đang phụ thu nhiều loại phí, phụ phí với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười đã giao các cảng vụ hàng hải và chi cục hàng hải kiểm tra giá cước vận chuyển của các hãng tàu và kiểm tra các phụ phí, tránh tình trạng các hãng tàu vi phạm luật cạnh tranh.

Nhấn mạnh Chính phủ đang tìm các phương án để giảm giá thành chi phí logistics, ông Mười cho rằng việc các hãng tàu tăng phụ phí một cách vô lý là điều khó chấp nhận.

Theo ông Mười, phí và phụ phí của các hãng tàu hiện nay đang thả nổi theo thị trường. Mức giá, phí tùy mức kinh doanh của các hãng tàu để xác định phụ thu.

Từ đây, ông Mười đề nghị các hãng tàu cần xem xét lại và có những điều chỉnh để cân bằng, phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, khuyến khích các hãng tàu có giải pháp giảm phụ phí tối đa nhất hoặc thu ở mức vừa phải để đảm bảo lợi nhuận của hãng tàu.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cũng khuyến cáo các hãng tàu và các doanh nghiệp, chủ hàng cần trao đổi, đàm phán để đưa ra các giải pháp hài hòa nhất khi cơ quan quản lý chưa có chế tài và hành lang pháp lý để quản lý. Ngoài ra,việc niêm yết các phụ thu của hãng tàu cũng cần minh bạch, công khai.

Để quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch cơ chế giá, phí, Cục Hàng hải Việt Nam giao các cảng vụ hàng hải và chi cục hàng hải kiểm tra giá cước vận chuyển của các hãng tàu và kiểm tra các phụ phí, tránh tình trạng các hãng tàu vi phạm luật cạnh tranh, đảm bảo thực hiện đúng công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.

“Đặc biệt, Cục Hàng hải Việt Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra các hãng tàu nhỏ lẻ, manh mún, kiểm soát chặt chẽ các công ty môi giới, đại lý bằng những cơ chế, hành lang pháp lý của Việt Nam và nếu sai ở đâu, xử lý đến đó,” ông Mười quả quyết.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có những biện pháp quản lý để hài hòa các bên liên quan, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

Để tăng cường công tác quản lý giá các loại phụ thu của hãng tàu, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề xuất bộ này bổ sung phụ thu của hãng tàu đối với hàng hoá container vào đối tượng kê khai giá trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giá năm 2023.

Nguyên nhân bởi theo Nghị định số 146/2016, hãng tàu tự quyết định các loại phụ thu và mức giá. Trường hợp thay đổi theo hướng tăng giá, hãng tàu phải niêm yết trước 15 ngày trước khi áp dụng mức giá mới. Nếu chỉ niêm yết, kê khai giá sẽ khó để có được cơ sở tính toán thực chất.

Được biết, thời gian qua, tình trạng các hãng tàu nước ngoài tăng phụ phí gây nhiều bức xúc cho các chủ hàng Việt Nam. Các chủ hàng trở thành đối tượng chịu tác động lớn nhất bởi việc tăng các chi phí này.

Lý do là bởi từ ngày 15/2 vừa qua, Thông tư 39/2023 của Bộ Giao thông Vận tải về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển chính thức được áp dụng, tăng 10% mức giá dịch vụ bốc dỡ container so với trước đó. Cùng thời điểm, nhiều hãng tàu nước ngoài thông báo tăng từ 10-20% phụ thu THC (phí bốc dỡ container tại bến cảng).

hang xuat khau.jpg
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Cảng Hải phòng của Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, các hãng tàu ngoại còn đang thu 10 loại phụ phí khác, phụ thu chứng từ, xăng dầu, vệ sinh container, giảm thải lưu huỳnh, phí cân bằng container... Tuy nhiên, mức giá và các loại phụ thu này do hãng tàu tự quyết định, không có sự thỏa thuận và gây ảnh hưởng lớn tới khách hàng.

Trong khi đó, chủ hàng Việt Nam không phải là người đàm phán ký hợp đồng vận chuyển nên các điều khoản về phụ thu mà hãng tàu đưa ra, chủ hàng buộc phải chấp nhận để lấy được hàng.

Do vậy, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam đều đã có kiến nghị Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan trong đó có việc đưa phụ phí vào danh mục phải kê khai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục