Sẽ tiết kiệm năng lượng trong sản xuất từ 20-25%

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, nếu dự án thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thành công, thì có thể tiết kiệm 20-25% năng lượng.
Ngày 11/11, hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam” đã được tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo, do Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức, nhằm giúp các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng, tăng năng lực cạnh tranh, giảm phát thải nhà kính.

Tại buổi hội thảo, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang là lựa chọn ưu tiên và là biện pháp hàng đầu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ sở sử dụng năng lượng Việt Nam còn sử dụng công nghệ lạc hậu, việc lắp đặt và thiết kế không hợp lý, quy trình quản lý và sử dụng năng lượng chưa được cải tiến theo hướng tối ưu hóa, đồng bộ hóa dẫn đến suất tiêu hao năng lượng cao.

Vì vậy, dự án này nhằm xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật, tài chính hỗ trợ cho việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn quản lý năng lượng ISO 50001, tối ưu hóa hệ thống quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp công nghiệp.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, dự án thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng được triển khai thành công, thì năng lượng sử dụng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp của Việt Nam có thể tiết kiệm từ 20-25% so với năng lượng đang sử dụng hiện nay.

Cũng tại hội thảo, ông Patrick Jean Gilabert, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam chia sẻ, năng lượng được coi là động cơ thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng, phần lớn là các dạng nhiên liệu hóa thạch như dầu, than và khí.

Sự phụ thuộc càng trở nên đáng lo ngại vì tốc độ tăng trưởng trong tiêu thụ nhiên liệu lớn hơn nhiều so với tốc độ phục hồi. Nếu thế giới tiếp tục tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch thì nguồn dự trữ dầu, than và khí chỉ đủ 40 năm đối với dầu, 200 năm đối với than và 70 năm đối với khí.

Mặt khác, tác hại khí nhà kính do tiêu thụ năng lượng được coi là một trong những yếu tố chính gây ra biến đổi khí hậu.

Giảm phát thải khí nhà kính thì dự báo phải đến năm 2030 chúng ta mới có thể áp dụng công nghệ để xử lý, nhưng nếu chúng ta sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì có thể giảm được 57% trong tổng lượng phát thải. Vì vậy, dự án này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp bền vững mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Tiêu chuẩn quản lý năng lượng ISO 50001 dựa trên cơ sở sự công nhận của thị trường để tích hợp hiệu suất năng lượng vào việc thực hành quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu suất năng lượng.

Tiêu chuẩn ISO 50001 có thể áp dụng cho mọi tổ chức không liên quan đến quy mô và có thể lồng ghép với các tiêu chuẩn quản lý khác./.

Hoàng Linh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục