SGT, SQC hủy niêm yết: Ít ảnh hưởng thị trường

"Tính đại chúng của mã SGT và SQC đều không cao, do vậy việc hủy niêm yết cũng không tác động nhiều đến thị trường."
Thông tin Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigontel (mã SGT) thông qua phương án hủy niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh dường như không tác động nhiều đến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Cùng thời điểm này, một mã cổ phiếu khác niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội là Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (mã SQC) cũng có ý kiến xin rút niêm yết do điều kiện kinh doanh không thuận lợi và đã được Đại hội cổ đông chấp thuận.

Giải thích nguyên nhân về sự rút lui của SGT, đại điện công ty cho biết, cả công ty và cổ đông không còn thấy tính tích cực ở thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu SGT xuống thấp hơn giá trị thực nhiều lần. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế và đánh giá của các đối tác đối với SGT.

Được biết, cả hai mã cổ phiếu trên đều là thành viên của Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI) có Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Đặng Thành Tâm, người giàu thứ ba trên  sàn chứng khoán Việt Nam, do VnExpress.net thống kê.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, tham vọng của những người đứng đầu tập đoàn này là rất lớn và thể hiện sự mong muốn vươn ra tới tầm quốc tế. Vì vậy việc cổ phiếu SGT rơi sâu như mức hiện nay (SGT đóng cửa phiên 25/4 ở mức giá 7.100 đồng/cổ phiếu) còn gây ra hình ảnh xấu cho cả tập đoàn.

Bởi trước đó, tại Hội nghị thường niên lần thứ 41 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2011 (WEF), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được lựa chọn vào Hội đồng Tư vấn các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh toàn cầu của WEF.

Tuy nhiên, dưới góc độ các chuyên gia trên thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán IRS đưa ra nhận định, về việc giá cổ phiếu về dưới giá trị thực trên thị trường chứng khoán hiện nay thì thậm chí nhiều mã bue-chip cũng phải chịu chung số phận.

“Trước tình hình thị trường chứng khoán như hiện nay, những đối tác kinh doanh không thể nhìn vào diễn biến cổ phiếu trên sàn mà đưa ra nhận định về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đó. Theo tôi, có thể đằng sau việc rút niêm yết là một dự định riêng của doanh nghiệp. Bởi, kể cả trong trường hợp thị trường chứng khoán khủng hoảng như năm 2008 thì cũng không doanh nghiệp nào phải đưa ra quyết định rời sàn,” ông Việt nói.

Có quan điểm khá khách quan, song ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kenaga cũng chỉ ra, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu và mở rộng điều kiện huy động vốn. Song bên cạnh quyền lợi, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc minh bạch hóa thông tin và đảm bảo kết quả kinh doanh có lợi nhuận. Vậy có thể nói rằng, cả những vấn đề tốt, xấu của mỗi doanh nghiệp sẽ được phô diễn nếu họ niêm yết trên thị trường chứng khoán.

”Thực tế, trên thị trường chứng khoán tính đại chúng của cả hai mã cổ phiếu SGT và SQC đều không cao, do vậy việc  hủy niêm yết của hai mã này cũng không tác động nhiều đến tâm lý của các thành viên trên thị trường,” ông Việt nói./.
Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục