"Siêu xe buýt gây xôn xao của Trung Quốc có phải là trò lừa đảo?"

Chưa đầy một tháng sau "chạy thử,” hãng tin Bloomberg đã có bài viết mới với tiêu đề "Siêu xe buýt của Trung Quốc có phải là một trò lừa đảo?"
"Siêu xe buýt gây xôn xao của Trung Quốc có phải là trò lừa đảo?" ảnh 1Một số tờ báo khẳng định rằng chiếc xe buýt này chẳng có hành trình thử nghiệm nào. (Nguồn: economist.com)

Tất cả bắt đầu bằng một sự phô trương với giọng điệu sửng sốt - "Xe buýt 'bay' của Trung Quốc là có thật và đã sẵn sàng được sử dụng trên đường phố," do tạp chí Wired công bố vào ngày 3/8.

Và không chỉ có một mình Wired đưa tin về chiếc xe buýt này. Các dòng tít và những bức ảnh chiếm tới nửa trang nhanh chóng bao phủ các tờ báo và trang web trên thế giới, rầm rộ đưa tin về chiếc xe buýt vận chuyển trên cao, còn gọi là TEB, một sáng kiến tuyệt vời sẽ lăn bánh trên đường phố Trung Quốc và cho phép những chiếc ôtô khác chạy qua dưới gầm.

Hành khách có thể lên và xuống xe từ các nhà ga trên cao. Điều này sẽ cho phép chiếc xe buýt tránh được cảnh tắc đường thường trực ở vùng đô thị Trung Quốc, đồng thời làm giảm bớt tắc nghẽn ở những nơi khác.

Trước một ý tưởng thông minh và điên rồ như vậy, dư luận cũng hết sức hào hứng. Mặc dù ban đầu chỉ có thể di chuyển chậm rãi, nhưng chiếc xe sẽ đạt tốc độ 40 dặm một giờ bằng cách sử dụng các thanh ray chạy ở hai bên đường.

300 hành khách trên xe (con số này có thể lên đến 1.200 khi vài chiếc xe được kết nối với nhau như những toa tàu hỏa) sẽ di chuyển một cách thoải mái trong một cấu trúc được mô tả là giống như phòng chờ ở sân bay. Tất nhiên, chỉ ở Trung Quốc, một dự án tuyệt vời như vậy mới có thể cất cánh.

Nhưng rồi thật bất ngờ, giọng điệu của các dòng tít thay đổi. Có điều gì đó không ổn đã xảy ra. "Trung Quốc đang hủy hoại hệ thống giao thông công cộng cơ bản của mình giữa những lo ngại về an toàn," Daily Mail đưa tin.

Trong khi đó, một số tờ báo khẳng định rằng chiếc xe buýt này chẳng có hành trình thử nghiệm nào.

Nhiều câu hỏi quan trọng bị bỏ ngỏ. Một chiếc xe buýt như vậy đi qua những cây cầu thấp bằng cách nào? Nếu một phương tiện cao hơn muốn vượt qua nó thì sao? (khoảng cách an toàn chỉ là hơn 2m). Nó làm thế nào để báo hiệu cho những chiếc xe khác khi muốn chuyển làn? Nó rẽ ngoặt vuông góc bằng cách nào?

Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này có lẽ là "nó không làm được." Chưa đầy một tháng sau "chạy thử,” hãng tin Bloomberg đã có bài viết mới với tiêu đề "Siêu xe buýt của Trung Quốc có phải là một trò lừa đảo?"

Theo các cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc, những đơn vị từng hết sức tuyên truyền cho dự án này, xe buýt TEB không chỉ là màn thu hút sự chú ý của dư luận - đó một trong hàng chục trò lừa vay ngang hàng (P2P) đã lừa bịp các nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc trong những năm gần đây bằng cách hứa hẹn những khoản lợi nhuận hàng năm không có thực.

Những người quảng bá cho TEB đã hứa với các nhà đầu tư về khoản lợi nhuận 12% trên vốn đầu tư, bất chấp thực tế là mẫu xe buýt này có khả năng sẽ lật nghiêng, không thể đi qua hầu hết các cây cầu trong thành phố hay không đủ cao để cho hầu hết các “phương tiện khác chạy qua dưới gầm.

Có thể biện minh một phần vì những con số này nằm ở mức trung bình trong ngành cho vay P2P của Trung Quốc, với lợi nhuận bình quân là 13.3% trong năm 2015.

Tất cả những hình thức giao thông vận tải mới đều đòi hỏi những tham vọng cao cả. Các nhà đầu tư nên đổ tiền vào hệ thống giao thông tốc độ cao sử dụng cảm ứng tuyến tính để vận chuyển hành khách qua các đường ống với tốc độ 600 dặm một giờ. Hoặc hệ thống đường bơi giao thông cho những người bơi lội tại các kênh rạch ở London. Đó là những khoản đặt cược an toàn hơn nhiều./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục