Singapore gia nhập Ủy ban Khai thác không gian hòa bình của LHQ

Bộ Ngoại giao Singapore khẳng định nước này sẽ ủng hộ thực hiện các mục tiêu của Copuos để thúc đẩy sử dụng hòa bình và bền vững lâu dài của không gian bên ngoài.
Singapore gia nhập Ủy ban Khai thác không gian hòa bình của LHQ ảnh 1Singapore đã nộp đơn xin gia nhập Ủy ban Khai thác hòa bình không gian của Liên hợp quốc. (Nguồn: Reuters)

Bộ Ngoại giao Singapore thông báo về việc nước này đã nộp đơn xin gia nhập Ủy ban Khai thác hòa bình không gian của Liên hợp quốc (Copuos), đồng thời cho biết các nước thành viên Copuos "hoàn toàn nhất trí kiến nghị" Đại Hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn việc gia nhập của Singapore trong khoảng thời gian từ tháng 9-12 năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, quốc gia châu Á này cam kết thuân thủ một số nội dung quy định của ủy ban gồm làm sạch rác ngoài không gian, xây dựng và tuân thủ các quy định luật pháp trong việc khám phá ngoài không gian, đồng thời quản lý, kiểm soát hoạt động di chuyển trong không gian...

Bộ Ngoại giao Singapore khẳng định giống như nhiều quốc gia khác, Singapore cũng phụ thuộc vào không gian để hỗ trợ những chức năng quan trọng của chính phủ và người dân như việc xây dựng kế hoạch đô thị hóa, theo dõi quan sát thời tiết, hoạt động viễn thông cũng như hỗ trợ hòa bình và các hoạt động cứu hộ cứu nạn.

[Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh không gian toàn cầu]

Bộ trên cũng khẳng định Singapore sẽ ủng hộ thực hiện các mục tiêu của Copuos để thúc đẩy sử dụng hòa bình và bền vững lâu dài của không gian bên ngoài.

Văn phòng Kỹ thuật công nghệ và công nghiệp không gian (OSTIn), được thành lập năm 2013, thuộc Ủy ban Phát triển kinh tế Singapore sẽ chịu trách nhiệm mọi mặt về sự tham gia của Singapore trong Cupous.

OSTIn sẽ phối hợp với các cơ quan chính phủ và các bên liên quan nhằm điều phối hoạt động và lợi ích của Singapore ngoài không gian.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc Singapore trở thành thành viên của Copuos sẽ có lợi cho ngành công nghiệp đang phát triển tại quốc gia này.

Ông Lim Wee Seng, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu vệ tinh tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), cho rằng sự tham gia ở cấp độ quốc gia như Copuos sẽ là “phương tiện chính thức” để NTU khai thác thêm thông tin và nguồn tài nguyên quốc tế. Từ năm 2011 đến nay, NTU đã phóng 9 vệ tinh vào vũ trụ.

Còn theo bà Lynette Tan, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghệ và vũ trụ Singapore (SSTA), việc tham gia Copuos sẽ khuyến khích Singapore đưa ra lập trường và quan điểm về các vấn đề chính sách và luật pháp vũ trụ quốc tế vốn ít được chú ý nhiều.

Bà Tan cho rằng những vấn đề này có thể không xuất hiện ngay, nhưng Singapore cần phải nâng cao sự nhận thức, hiểu biết ở tầm quốc gia và khả năng dự báo các vấn đề tương lai để có thể hưởng được nhiều lợi ích hơn nữa trên lĩnh vực này trong tương lai. 

Ủy ban Copuos được thành lập năm 1959 với mục đích quản lý, điều hành việc khám phá, sử dụng, khai thác không gian vì hòa bình, an ninh và phát triển của toàn nhân loại. Ủy ban này cũng tập trung vào vấn đề hợp tác quốc tế trong sử dung, khai thác ngoài không gian, các hoạt động và chương trình nghiên cứu liên quan đến không gian và nghiên cứu những vấn đề pháp lý trong vấn đề thám hiểm vũ trụ.

Ủy ban hiện có 92 quốc gia thành viên, trong đó có Australia, Trung Quốc, Indonesia và Phần Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục