Sơ đồ chiến thuật: Những chữ số "ảo" và giải pháp tình thế

Năm ngày sau khi World Cup 2014 khởi tranh, các đội bóng đều đã xuất trận. Vấn đề sử dụng sơ đồ chiến thuật của các đội bóng cũng đã phần nào được thể hiện.
Sơ đồ chiến thuật: Những chữ số "ảo" và giải pháp tình thế ảnh 1Đức là đội có khởi đầu ấn tượng nhất. (Nguồn: Getty Images)

Năm ngày sau khi World Cup 2014 khởi tranh, những đội bóng đều đã xuất trận. Vấn đề sử dụng sơ đồ chiến thuật của các đội bóng cũng đã phần nào được thể hiện. Người thì thắng lợi rực rỡ, kẻ thất trận bẽ bàng, có cả những đội bóng nhờ sự điều chỉnh kịp thời và có được kết quả hài lòng, và cũng có cả những ứng cử viên dù thắng nhưng việc bố trí nhân sự vẫn là câu chuyện dang dở cần hoàn thiện...

Đức đã chơi với sơ đồ 4-1-4-1, với chủ nhà Brazil là 4-2-3-1, chiến lược gia Cesare Prandelli của Italy dùng 5-4-1 và Argentina với sơ đồ 5-3-2. Trong khi đó, huấn luyện viên Roy Hodson của đội tuyển Anh bố trí đội hình giống chủ nhà Brazil 4-2-3-1, hay đội bóng sở hữu chiến thắng đẹp đẽ nhất, "những người Hà Lan bay" đã khởi đầu với sơ đồ 3-5-2 rồi uyển chuyển biến đổi thành 3-4-1-2 và vùi dập những người vẫn là Vua, Tây Ban Nha với một tỷ số không tưởng.

Đó là những sơ đồ chiến thuật mà những đội tuyển mạnh hay những ứng cử viên cho chức vô địch đã sử dụng qua loạt trận đầu tiên trong kỳ World Cup này.

Nhưng thực tế, đó chỉ là những thống kê trên lý thuyết mà người ta muốn số hóa để dễ nhớ, dễ vận dụng (và cũng có thể làm cho nó trở nên phức tạp, hoặc thậm chí gây tranh cãi). Bởi thực tế bóng đá đơn giản và dễ hiểu hơn rất nhiều với người xem, phần phức tạp và khó khăn hơn thuộc về các huấn luyện viên trong việc sử dụng sơ đồ nào. Ai chơi ở đâu theo những sơ đồ này và nếu vắng người này thì sẽ phải thay đổi thế nào, với những diễn biến cụ thể trên sân có nhất thiết phải duy trì công thức một cách quá máy móc hay không,số học lúc này quan trọng hơn hay cảm tính lại mang đến những yếu tố quyết định...?

Carlo Ancelotti đã từng trả lời báo chí về câu hỏi sử dụng sơ đồ nào. "Chúng tôi vào trận mà không có sơ đồ nào cả và rồi chúng tôi chiến thắng" (rõ ràng là một câu trả lời theo kiểu buộc phải trả lời mà không thích thú).

Đội tuyển Tây Ban Nha lẽ ra đã lại chơi với sơ đồ 4-6-0 như trong trận chung kết Euro 2012. Thế nhưng trong tay huấn luyện viên Del Bosque lại có tiền đạo tân binh đầy chất lượng Costa, vậy là phải thay đổi thành 4-3-2-1. Vì đương nhiên người ta nghĩ sẽ tốt hơn nếu có một tiền đạo như Costa trong bất cứ một sơ đồ nào.

Kết quả là Tây Ban Nha thua tan tác trước một Hà Lan đã biết thay đổi sang sơ đồ 3-5-2 và rất uyển chuyển biến thành 3-4-1-2, với Sneijder làm hộ công cho 2 ngôi sao đã tỏa sáng rực rỡ Robben và Robin van Persie. Cho dù thực tế nhà đương kim vô địch đã thua trong trận đấu mà nguyên nhân chính thuộc về động lực, thể lực và phong độ tệ hại của 2 trung vệ Pique và Ramos, cùng thủ môn Iker Casillas.

Trước giải, Scolari đã nói rằng “nếu các cầu thủ của tôi đều chơi tốt thì tôi chẳng cần phải để trong đầu mấy con số cùng với những cái gạch ngang ở giữa làm gì." Diễn biến của trận khai mạc đã phần nào chứng minh những gì Big Phil đã nói. Brazil bất ngờ thủng lưới trước trong trận đấu không thể thua trong khoảng thời gian sơ đồ 4-2-3 1 của Scolari vô tác dụng. Và đó là lúc cần phải có sự thay đổi uyển chuyển sang 4 -1-4-1 với vẫn những cái tên trên sân (thay vì một quyết định thay người ).

Rõ ràng Neymar (lúc đầu chơi ở cánh và sau đó chơi tự do) và Oscar chơi hay như vậy thì đúng là những con số của sơ đồ chỉ tồn tại trên lý thuyết?

Còn nhà vô địch của World Cup 2006 Italia thì sao sau khi họ mất Montolivo? Một loạt những dự báo về việc thay đổi sơ đồ chiến thuật được đưa ra. 3-5-2 theo kiểu Juventus (đoạt scudetto nhưng thất bại toàn diện ở mặt trận quốc tế), 4-5-1 nhằm tăng quân số ở giữa sân, hay sử dụng lại chiến thuật đã trở nên phổ biến 4-3-2-1 của chính Ancelotti?

Cuối cùng Italy khởi đầu trận đấu với những người Anh với sơ đồ 5-4-1 với De Rossi chơi cực thấp như một trung vệ thứ ba và đặc biệt là họ hoàn toàn treo cánh trái. Kết quả là người Italia kiểm soát thế trận tốt, có được bàn thắng trước, đẩy người Anh vào thế rượt đuổi, bối rối. Điều này dẫn đến việc Italia sau đó đã không cần thiết phải chơi với 3 trung vệ và De Rossi được trả lại cho vị trí tiền vệ trung tâm.

Tương tự là Argentina với sơ đồ thường được ông Sabella sử dụng là 4-4-2. Nhưng ở trận đấu đầu tiên Sabella rõ ràng đã quá trận trọng (hoặc quá tôn trọng) trước đội bóng lần đầu dự vòng chung kết, Bosnia & Herzegovina khi cũng bố trí một sơ đồ có đến 5 hậu vệ. Kết quả trận đấu là 2-1, Argentina chỉ ghi được 1 bàn (Messi) và thủng lưới 1 bàn. Sự chênh lệch về tỷ số là do bàn đá phản lưới nhà của hậu vệ cánh trái Kolasinac. Argentina thắng nhưng dùng sơ đồ nào để đạt hiệu quả cao vẫn còn là mốt dấu hỏi cho những trận tiếp theo.

Cho tới lúc này, Joachim Loew được đánh giá là người thành công nhất hay nói cách khác là thuyết phục nhất cho việc sử dụng sơ đồ chiến thuật khi đội tuyển Đức đè bẹp Bồ Đào Nha của Ronaldo với bốn bàn trắng cùng với một sơ đồ...rất ảo 4-1-4-1 với Mesut Ozil chơi cao nhất như một tiền đạo, và tất nhiên đây là mới là một vị trí "ảo" thật. Bởi tất cả đã rõ, hat-trick đầu tiên của giải đấu dành cho Thomas Mueller đã tiết lộ: anh mới là một tiền đạo thực sự trong sơ đồ này.

Xét cho cùng lý thuyết là một chuyện, vào trận lại là một chuyện khác, đối thủ là ai và chơi thế nào lại là chuyện khác nữa, và thiếu vắng những cầu thủ quan trọng (chấn thương, treo giò...) hoàn toàn có thể là lý do khiến cho những sơ đồ trên trở thành một mớ lý thuyết suông cần vứt vào sọt rác ngay. Lúc này tài xoay xở và khả năng thích ứng của những nhà cầm quân và chuyên môn của từng con người cụ thể trên sân mới là yếu tố mang tính sống còn.

Tóm lại, dùng sơ đồ nào vẫn là yếu tố con người, những cá nhân với những phẩm chất của họ có đáp ứng được và phù hợp được với những yêu cầu của từng sơ đồ trong từng trận đấu với những những đối thủ khác nhau hay không mà thôi. Một điều quan trọng khác nữa, đó là để trở thành những người nâng Cúp vàng, một đội tuyển cần phải vượt qua tổng cộng 7 trận đấu với 7 đối thủ khác nhau.

Yêu cầu của những trận đấu vòng bảng khác với vòng knock-out, có thể thua tối đa 1 trận ở vòng bảng và có thể không thắng trong 120 phút của những trận đấu loại trực tiếp để rồi thắng bằng penalty...Vậy thì đôi khi phải “liệu cơm gắp mắm” và đôi khi chỉ là vấn đề “giải pháp tình thế” để không thua. Thế rồi chân lý lộ ra và những huấn luyện viên lại bất ngờ trở thành những nhà phát kiến vĩ đại?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục