Số lượng thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 4 người

Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, số lượng thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 4 người.

Ngày 18/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2012/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Nghị định gồm 5 chương và 31 điều, quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Bộ); chế độ làm việc và quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Bộ trưởng).

Nghị định nêu rõ Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực.

Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, là người đứng đầu và lãnh đạo một Bộ; tham gia vào hoạt động của tập thể Chính phủ và các công tác khác của Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, các quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Người giữ chức vụ cấp phó của Bộ trưởng (gọi chung là Thứ trưởng) là người được giao phụ trách, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện một hoặc một số lĩnh vực công tác của Bộ theo sự phân công của Bộ trưởng và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ và Bộ trưởng.

Số lượng Thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 4 người. Đối với Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực, quan trọng, phức tạp, số lượng Thứ trưởng có thể nhiều hơn 4 người do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nghị định cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ về: Pháp luật; chiến lược, quy hoạh, kế hoạch; hợp tác quốc tế; cải cách hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác; hội, tổ chức phi Chính phủ; tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng viên chức; cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra, thanh tra; quản lý tài chính, tài sản.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2012 và thay thế Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; đồng thời bãi bỏ các quy định trước đây trái với nghị định này./.
 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục