Sôi động cuộc đua thám hiểm vũ trụ của các tỷ phú thế giới

Mục tiêu thực sự của các tỷ phú là hàng tỷ USD mà Chính phủ Mỹ và các quốc gia khác sẵn sàng chi trả cho sứ mệnh thám hiểm vệ tinh và tàu tên lửa có phi hành đoàn.
Sôi động cuộc đua thám hiểm vũ trụ của các tỷ phú thế giới ảnh 1Tỷ phú Richard Branson (trái) cùng các hành khách khác ăn mừng sau khi kết thúc chuyến bay tới rìa vũ trụ, tại căn cứ ở bang New Mexico, Mỹ ngày 11/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc đua vào vũ trụ giữa các doanh nhân-tỷ phú có ảnh hưởng nhất thế giới Richard Branson, Jeff Bezos và Elon Musk đã chạm đến một cột mốc quan trọng khi con tàu Virgin Galactic ngày 11/7 vừa qua đã đưa tỷ phú Branson đặt chân vào vũ trụ.

Ông Branson gọi chuyến đi của mình là bước khởi động của chiến dịch “tiếp cận không gian bình đẳng” cho mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính hoặc dân tộc. Tuy nhiên, theo nhà báo Michael Hiltzik, mục tiêu thực sự không phải như vậy.

[Video] Cận cảnh tỷ phú Jeff Bezos bay vào vũ trụ thành công

Trong bài viết đăng tải trên tờ Los Angeles Times và được tờ The Age của Australia dẫn lại, nhà báo Hiltzik cho rằng các doanh nghiệp hàng không vũ trụ không nỗ lực chỉ để kiếm một "tệp" khách hàng nhỏ hạng sang, những người có đủ tài chính chi trả cho một chiếc vé có giá trị lên tới hàng trăm nghìn USD nhằm tận hưởng một chuyến đi “cảm giác mạnh.”

Mục tiêu thực sự của họ là hàng tỷ USD mà Chính phủ Mỹ và các quốc gia khác sẵn sàng chi trả cho sứ mệnh thám hiểm vệ tinh và tàu tên lửa có phi hành đoàn.

Thị trường phụ hợp dành cho các cá nhân giàu có và thích phiêu lưu…

Hiện tại, mọi sự chú ý hầu hết đang tập trung vào những buổi ra mắt “cuộc đua” thám hiểm vũ trụ của các tỷ phú.

Sau tỷ phú Branson, tỷ phú Bezos - nhà sáng lập hãng Amazon - dự kiến sẽ thực hiện một chuyến bay dưới quỹ đạo (du hành không gian tiểu vũ trụ) vào ngày 20/7, thông qua một loại thiết bị bay tên lửa có gắn cabin cho hành khách New Shepard do công ty tên lửa Blue Origin của chính ông thực hiện.

Nhưng trọng tâm thực sự cần chú ý lại là kế hoạch của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm đưa các con tàu vũ trụ có phi hành đoàn lên Mặt Trăng, nơi chưa có con người đặt chân đến trong suốt 49 năm qua, kể từ sau sứ mệnh Apollo cuối cùng.

Kế hoạch của NASA được đặt tên là chương trình Artemis, theo tên chị em song sinh của Apollo trong thần thoại Hy Lạp.

Mục tiêu của chương trình nhằm đưa con người lên Mặt Trăng trước khi thập kỷ này kết thúc và giữ một nhóm nghiên cứu ở đó trong một khoảng thời gian dài.

Cho tới thời điểm hiện nay đã có một số thu hoạch khá ấn tượng liên quan đến chương trình Artemis.

Vào tháng 4/2021, tổng thanh tra của NASA ước tính rằng các công ty hàng không vũ trụ có thể sẽ chi tới 86 tỷ USD cho chương trình này, tính đến cuối năm tài chính 2025, trong điều kiện Quốc hội Mỹ đồng ý sử dụng các khoản tiền này và hàng chục tỷ USD khác nữa cũng sẽ được chi thêm khi chương trình tiến vào giai đoạn mục tiêu trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không vũ trụ cho rằng thị trường du lịch không gian cá nhân còn rất hạn chế.

John M.Logsdon, Giáo sư danh dự tại Đại học George Washington, đồng thời là nhà sáng lập và Giám đốc của Viện Chính sách Không gian Vũ trụ, nói: “Tôi hoài nghi rằng đây có thực sự là một cơ hội kinh doanh lớn hay không. Vì đây mới chỉ là một thị trường phụ hợp cho các cá nhân giàu có và thích phiêu lưu.”

Các chuyến du hành vũ trụ mà hai tỷ phú Branson và Bezos thực hiện không có nhiều yêu cầu cao về mặt kỹ thuật.

Chuyến bay của ông Branson kéo dài khoảng 15 phút với một phi hành đoàn bốn người và hai phi công.

Tất cả sẽ trải qua khoảng ba phút trong không gian phi trọng lượng và yêu cầu tên lửa phải đạt vận tốc mức Mach 3, có nghĩa là nhanh hơn gấp 3 lần vận tốc âm thanh.

Giáo sư Logsdon cho biết bình thường một chuyến bay lên quỹ đạo Trái Đất sẽ yêu cầu mức vận tốc Mach 17.

Tỷ phú Branson đã đánh dấu sự kiện khởi động chuyến bay của ông bằng một lời hô hào dành cho “thế hệ những người nhiều hoài bão tiếp theo: Nếu chúng tôi có thể làm được điều này, hãy tưởng tượng những gì bạn có thể làm mai sau.”

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chuyến phi hành dưới quỹ đạo đầu tiên của Mỹ, cũng có thời gian ở ngoài không gian tương tự chuyến đi của ông Branson, đã diễn ra vào năm 1961, tức là từ 60 năm trước đây.

Công ty Virgin Galactic đang cạnh tranh với công ty Blue Origin của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos và công ty SpaceX của tỷ phú xe điện Elon Musk để có chỗ đứng trong thị trường du lịch vũ trụ, cho bất kỳ giá trị nào có thể đạt được.

Blue Origin và SpaceX cũng đang ở trong một cuộc tỷ thí dữ dội và cùng với United Launch Alliance, một liên doanh giữa công ty Boeing và Lockheed Martin, tìm cách giành các hợp đồng bay vào vũ trụ của Chính phủ Mỹ.

Artemis không phải là một chương trình thuộc chính phủ duy nhất cung cấp hợp đồng cho các công ty hàng không vũ trụ tư nhân. Cũng đã có những sự cạnh tranh khác nhằm tìm kiếm “giấy phép” để phóng tên lửa mang theo phi hành đoàn và tải trọng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Nhưng chương trình thám hiểm Mặt Trăng là tham vọng lớn nhất của NASA và là chương trình có nhiều khả năng thu hút sự chú ý của công chúng nhất đối với các nhà thầu.

Kết quả là Artemis trở thành chương trình bị tác động cao nhất bởi sự “thù địch” và “âm mưu” giữa các công ty hàng không vũ trụ.

Phần lớn xung đột liên quan đến SpaceX và Blue Origin. Virgin Galactic không phải là nhà thầu trong dự án Mặt Trăng, mặc dù công ty này đã được trao một phần trong hợp đồng trị giá 45 triệu USD của NASA, để thực hiện các chuyến bay thương mại.

Một công ty “chị em” trong đế chế tập đoàn của tỷ phú Branson là Virgin Orbit đã hoàn thành sứ mệnh thương mại đầu tiên vào ngày 30/6.

Trong chuyến du hành vào không gian vũ trụ, con tàu của Virgin Orbit đã đặt 7 vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất cho ba khách hàng, bao gồm Bộ Quốc phòng Mỹ, đơn vị ký hợp đồng trị giá 35 triệu USD với Virgin Orbit vào năm 2017.

Không khó để xác định sự cạnh tranh hợp đồng chính phủ giữa các công ty khác nhau.

Chuyên gia Michael Listner của công ty tư vấn Giải pháp Chính sách & Luật Không gian Vũ trụ cho biết: “Các hợp đồng này rất quan trọng vì hoạt động phát triển du hành vũ trụ không hề rẻ. Nếu không, các công ty sẽ phải tự huy động số tiền của riêng họ và điều đó có thể sẽ không thể xảy ra.Vì vậy, họ cần hợp đồng chính phủ để có thể tồn tại.”

Một vấn đề mà tất cả đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua lên Mặt Trăng phải đối mặt là chương trình Artemis. Tại thời điểm hiện nay, cuộc đua mới đi được một nửa quãng đường. Ban đầu chương trình được hình thành vào năm 2017, với mục tiêu đưa các con tàu có phi hành đoàn lên Mặt Trăng vào năm 2028.

Đến năm 2019, Nhà Trắng, dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump, đã rút ngắn thời hạn đích đến năm 2024. Đây là một mốc thời gian mà hầu hết các chuyên gia đều cho rằng không thể đạt được.

Vào tháng 5/2021, Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm của Chính phủ Mỹ (GAO) báo cáo rằng lịch trình bị đẩy nhanh khiến khả năng đạt được mục tiêu “đổ bộ lên Mặt Trăng” vào năm 2024 ít khả thi hơn, một phầndo nhiều thành phần của dự án vẫn chưa sẵn sàng.

GAO cho biết: “Hầu hết các dự án về Mặt Trăng vẫn trong giai đoạn đầu phát triển và một số đang phải dựa vào công nghệ chưa hoàn chỉnh."

Trong số các vấn đề khác, Cánh cổng - Gateway, trạm vũ trụ quay quanh Mặt Trăng, cơ sở hạ tầng của các sứ mệnh trên bề mặt của Mặt Trăng, sẽ phải “dựa vào nguồn điện và công nghệ đẩy chưa từng được sử dụng trước đây.”

GAO cũng cho biết thêm các nhà thầu đang bị chậm tiến độ trong việc phát triển công nghệ cần thiết.

Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chương trình Artemis, đã không đưa ra một quan điểm rõ ràng về mốc thời hạn.

Mặc dù vậy, giờ đây nhiều người tin rằng Washingtin sẽ coi năm 2024 là một mục tiêu “đầy khát vọng” và sẽ chuyển hướng chương trình về đích muộn hơn.

Tranh cãi giữa các công ty hàng không vũ trụ và giữa họ với NASA đã không mang lại bất cứ lợi ích nào. Các xung đột không chỉ giới hạn trong chương trình của NASA.

Vào năm 2018, tỷ phú Musk và Bộ Quốc phòng Mỹ nảy sinh bất đồng về các hợp đồng trị giá hơn 2,2 tỷ USD liên quan tới một loạt các vụ phóng tên lửa quân sự bắt đầu vào năm 2022.

Các hợp đồng sau đó được chia cho công ty ULA, Norhtrop Grumman và Blue Origin và cắt đứt hoàn toàn sự hợp tác với SpaceX.

Ngay lập tức, công ty của tỷ phú Musk đã đệ đơn kiện Lực lượng Không quân Mỹ đưa ra quyết định dựa trên “sự đối xử bất bình đẳng về mặt định kiến.” Vụ án đã được tòa án liên bang tại Los Angeles thụ lý vào năm ngoái.

Trong khi đó, cuộc chiến giữa Blue Origin và SpaceX, ban đầu có thể đơn giản là xuất phát từ sự cạnh tranh giữa tỷ phú Bezos và tỷ phú Musk, nhưng đến nay đã trở thành một đặc điểm cố hữu cho các hợp đồng thám hiểm vũ trụ.

Vào năm 2015, hai tỷ phú này, những người luôn nằm trong top đầu danh sách những người giàu nhất thế giới, đã “đấu nhau” về bằng sáng chế được trao cho Blue Origin để hạ cánh tên lửa có thể tái sử dụng trên một sà lan neo giữa đại dương.

SpaceX thách thức bằng sáng chế này là không có nguồn gốc và sau đó giành được quyết định phân chia quyền sử dụng.

Vào tháng 4/2021, sau khi NASA trao hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD để phát triển tàu đổ bộ mặt trăng cho SpaceX, Blue Origin cũng đệ đơn phản đối khiến NASA không thể hoàn tất kế hoạch này. Dự kiến quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng tới.

... có thật sự ý nghĩa về mặt thực tiễn?

Với những tiến triển đã xảy ra, có vẻ như cuộc đua đưa du khách lên thám hiểm vũ trụ là tất cả những gì liên quan tới vấn đề quan hệ công chúng (PR). Theo chuyên gia Logsdon, tác động chính của chuyến bay mà tỷ phú Branson đã thực hiện, là “tất cả sự quảng bá miễn phí dành cho một doanh nghiệp mới nổi” thông qua việc phủ sóng trên mạng lưới truyền hình và các bài báo đăng tải trên trang nhất của ấn phẩm báo chí hàng ngày.

Ông Bezos, vốn đang bị hạn chế trong cuộc cạnh tranh vào không gian vũ trụ của các tỷ phú, đang cố gắng giành lấy vị trí trung tâm bằng cách đưa Wally Funk, một trong 13 người được lựa chọn làm phi hành gia nữ đầu tiên của Mỹ, trở thành thành viên của phi hành đoàn trong dự án Mercury.

Câu hỏi chưa được đặt ra là có bao nhiêu giá trị nằm trong chuyến thám hiểm Mặt Trăng của tàu phi hành đoàn, ngoài mục đích PR.

Sôi động cuộc đua thám hiểm vũ trụ của các tỷ phú thế giới ảnh 2Tỷ phú người Mỹ Jeff Bezos sau khi tàu vũ trụ New Shepard hạ cánh an toàn trên sa mạc Texas ngày 20/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bảy ưu tiên khoa học của chương trình Artemis do NASA đặt ra, chẳng hạn như “quan sát vũ trụ ở một vị trí độc nhất” và “tiến hành khoa học thực nhiệm trong môi trường Mặt Trăng,” hầu như đều có thể đạt được bằng robot và các công nghệ khác, với mức chi phí rẻ hơn, hiệu quả và an toàn hơn so với việc đặt các tổ phi hành đoàn lên bề mặt của Mặt Trăng.

Ngoại lệ là mục tiêu “điều tra và giảm thiểu rủi ro khám phá đối với con người”; điều này rõ ràng sẽ không cần thiết nếu con người không sẵn sàng đối mặt với những rủi ro đó.

Vì vậy, tác giả cho rằng các chương trình thám hiểm vũ trụ thực tế đã trở thành một minh chứng rõ nét nhất cho câu nói nổi tiếng “Không có tiền, không du hành không gian” (No bucks, no Buck Rogers) được phổ biến thông qua bộ phim "The Right Stuff" kể về sự khởi đầu tiến trình thám hiểm không gian của Mỹ, trong đó “bucks” là một thuật ngữ tiếng lóng chỉ tiền và “Buck Rogers” là một nhân vật truyện tranh du hành vũ trụ vào đầu thế kỷ XX.

Tuy vậy, trên phương diện đối lập, những gì mà Branson và Bezos muốn hướng đến lại là nhu cầu tôn vinh các cá nhân trong không gian vũ trụ để kiếm được nguồn tài trợ ngay từ ban đầu. Nói cách khác, các tỷ phú đang nhấn mạnh về thông điệp "không có Buck Rogers, không có tiền”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục