Sốt xuất huyết gia tăng, diễn biến phức tạp ở Bình Thuận, Quảng Nam

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.000 ca mắc, trong đó có 56 ca nặng; đã có 3 người tử vong.
Sốt xuất huyết gia tăng, diễn biến phức tạp ở Bình Thuận, Quảng Nam ảnh 1Bác sỹ kiểm tra sức khỏe và hội chẩn điều trị cho người bệnh mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho thấy, nếu như 9 tháng đầu năm ngoái, toàn tỉnh chỉ có 746 ca sốt xuất huyết, trong 9 tháng năm nay con số này đã tăng lên nhiều lần.

Cụ thể, chỉ trong 2 tuần đầu tiên của tháng 10 này, toàn tỉnh ghi nhận thêm 437 ca mắc sốt xuất huyết. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.000 ca mắc, trong đó 56 ca nặng.

Số ca mắc tập trung nhiều tại các huyện: Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Phan Thiết…

Trong tháng 10, Bình Thuận vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong ở huyện Phú Quý do sốt xuất huyết, nâng số trường hợp tử vong do căn bệnh này từ đầu năm đến nay lên 3 người.

Theo bà Nguyễn Thị Thọ, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngoài các yếu tố khách quan như chu kỳ bệnh (cách 3-4 năm, có 1 năm tăng đột biến), thời tiết thay đổi, rác thải, vệ sinh môi trường… việc người dân sử dụng nhiều dụng cụ chứa nước dự trữ nhưng không đúng cách, không xúc rửa, không đậy kín nắp tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng.

Thêm vào đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về sốt xuất huyết Dengue, chưa chủ động phòng bệnh, vệ sinh môi trường, thậm chí thiếu hợp tác, gây cản trở cho công tác xử lý bệnh.

Với nhận định bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp đến cuối năm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng các Trung tâm y tế tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh, triển khai phun hóa chất chủ động và khống chế bệnh tại các phường, xã có nguy cơ cao; xử lý triệt để ổ bệnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue, giám sát bệnh nhân… cho tuyến cơ sở.

[Bộ Y tế sửa đổi hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết]

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, người dân cần phòng chống sốt xuất huyết bằng cách ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay cho trẻ, có thể dùng kem chống muỗi hoặc bình xịt muỗi cá nhân tại hộ gia đình.

Mỗi gia đình nên chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường sống xung quanh như thu gom, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy và cọ rửa thường xuyên…

Khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi, chăm sóc, điều trị theo phác đồ, tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà.

Bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, mỗi người dân, cộng đồng cần thay đổi nhận thức và hành động để chung tay phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên chủ quan trước bệnh tay chân miệng bởi đang vào thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường, tạo điều kiện virus gây bệnh này phát triển và bệnh có thể gia tăng vào tháng 10 này, 11 tới.

Vì vậy, các bậc phụ huynh và người dân phải thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh ngay từ đầu mùa như rửa sạch tay chân trẻ bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi, lau sạch sàn nhà, rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ…

Ngày 18/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho biết, tình hình bệnh sốt xuất huyết tại địa phương đang diễn biến rất phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 4.855 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp 1,7 lần so với tổng số ca năm 2018.

Sốt xuất huyết gia tăng, diễn biến phức tạp ở Bình Thuận, Quảng Nam ảnh 2Nhân viên y tế chăm sóc điều trị cho người bệnh mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Thị xã Điện Bàn là địa phương mắc nhiều ca sốt xuất huyết nhất với 840 ca, các huyện khác trong tỉnh đều ghi nhận xuất hiện ổ bệnh sốt xuất huyết.

Đáng chú ý, số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn và người già tăng cao hơn so với các năm, đồng thời gia tăng số ca mắc ở thể nặng, rất nặng.

Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2019, tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và số ca mắc tăng hơn so với năm trước.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, cơ sở y tế thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường các biện pháp truyền thông, vệ sinh môi trường.

Hiện nay, khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đang trong mùa mưa lũ, dự báo bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nguy cơ lan rộng và kéo dài do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi và bọ gậy phát triển.

Theo tiến sỹ y khoa Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, để làm tốt công tác phòng, chống sốt xuất huyết, thời gian qua Sở đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết; tăng cường công tác giáo dục truyền thông trong cộng đồng; chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất chủ động diệt muỗi.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác số 5 của Bộ Y tế về hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng Tám vừa qua, Sở Y tế Quảng Nam đã kiến nghị hỗ trợ địa phương 10 máy phun thuốc, 400 lít hóa chất diệt côn trùng, 100kg hóa chất Abate diệt côn trùng, 200 bộ trang phục chống dịch.

Đồng thời, Đoàn công tác cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam hỗ trợ thêm 500 triệu đồng cho kinh phí phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục