Sử dụng AI trong khám sàng lọc để tăng tỷ lệ phát hiện bệnh lao

Chiến dịch đã sử dụng xe X-quang lưu động được cài trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ các bác sỹ đọc phim X-quang nhằm cải thiện chất lượng khám sàng lọc và tăng tỷ lệ phát hiện bệnh lao.
Sử dụng AI trong khám sàng lọc để tăng tỷ lệ phát hiện bệnh lao ảnh 1Ảnh minh họa.(Nguồn: GettyImages)

Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao (Tổ chức FHI 360) phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương triển khai hoạt động phát hiện chủ động ca bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng cho người tiếp xúc hộ gia đình và người có nguy cơ cao.

Chiến dịch áp dụng chiến lược 2X bao gồm sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert (phát hiện vi khuẩn lao hoặc lao kháng thuốc nhanh chóng) trong cộng đồng. Tham gia chiến dịch, người lớn được lấy mẫu đờm, trẻ em được lấy mẫu phân để làm xét nghiệm GeneXpert để chẩn đoán nhanh, chính xác và miễn phí.

Các chiến dịch tại cộng đồng được triển khai tại 10 huyện thuộc 7 tỉnh gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Nghệ An, Tây Ninh, Tiền Giang, An Giang và Thái Bình.

Đặc biệt, chiến dịch đã sử dụng xe X-quang lưu động được cài trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ các bác sỹ đọc phim X-quang nhằm cải thiện chất lượng khám sàng lọc và tăng tỷ lệ phát hiện bệnh lao.

[Phát hiện sớm và chú trọng dinh dưỡng nhằm điều trị hiệu quả bệnh lao]

Tại tỉnh Thái Bình, nhờ sử dụng xe X-quang lưu động được cài AI đã phát hiện thêm nhiều ca bệnh lao nghi ngờ. AI có thể hỗ trợ cán bộ chẩn đoán hình ảnh phát hiện những tổn thương nhỏ bị che khuất bởi các cơ quan khác và thông báo trên màn hình máy tính…

Từ thực tế công tác khám sàng lọc tại địa phương, bác sỹ Bùi Huy Hưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Bình cho biết: “AI đã góp phần đáng kể làm giảm các sai sót trong chẩn đoán hình ảnh, giúp phát hiện sớm và tăng khả năng điều trị cho bệnh nhân.”

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID, để đảm bảo an toàn cho người dân khi tiến hành chiến dịch phát hiện chủ động ca bệnh lao và lao tiềm ẩn, chúng tôi tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19 như hướng dẫn người dân khai báo y tế, tuân thủ nguyên tắc 5K, sàng lọc, phân luồng người nguy cơ để xét nghiệm nhanh COVID.

Nếu có trường hợp xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, chúng tôi sẽ chuyển người đó đến cơ sở xét nghiệm RT - PCR trong tỉnh để khẳng đinh tình trạng nhiễm nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế và người dân khi tham gia chiến dịch. “Rất may mắn trong chiến dịch, chúng tôi không phát hiện ca dương tính với SASR-CoV-2,” Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, khi người dân đến khám sàng lọc, chúng tôi hướng dẫn và tuyên truyền cho người dân hiểu thêm về bệnh lao, về triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh như ho, sốt, giảm cân.

Đồng thời khuyến cáo người dân khi có triệu chứng hoặc thuộc nhóm nguy cơ mắc lao cao, người dân cần tới cơ sở y tế gần nhất để khám sàng lọc phát hiện bệnh lao. Bệnh lao có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm-Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Bình cho biết thêm.

Đánh giá về ứng dụng AI trong khám và điều trị bệnh lao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hệ thống X-quang hỗ trợ chẩn đoán sàng lọc dựa trên công nghệ máy học là một hướng đi mới không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới.

Đối với lĩnh vực lao và bệnh phổi, hệ thống này sẽ hỗ trợ trong việc tìm hiểu, phân tích để đưa ra kế hoạch cải thiện chất lượng nghiên cứu, đào tạo, phục vụ người bệnh trong y tế nói chung và bệnh lao nói riêng, hỗ trợ trong việc giải quyết mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

“Tương tự như COVID-19, bệnh lao có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc ứng dụng công nghệ AI vào chẩn đoán sớm, hỗ trợ trong việc khám và chữa bệnh sẽ giúp tăng khả năng điều trị cho bệnh nhân. Đây chính là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI ứng dụng vào mọi ngành nghề trong cuộc sống,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục