Sự kiện trong nước 20-26/8: Dấu mốc lịch sử của Olympic Việt Nam

Đội tuyển Olympic Việt Nam lần đầu vào tứ kết bóng đá nam ASIAD, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Ethiopia, Việt Nam thi đấu tại ASIAD 2018 là những sự kiện nổi bật của Việt Nam tuần qua.
Đội tuyển Olympic Việt Nam lần đầu vào tứ kết bóng đá nam ASIAD
Tối 23/8, trong khuôn khổ vòng 1/8 bóng đá nam tại Đại hội thể thao châu Á ASIAD 2018, đội tuyển Olympic Việt Nam đã giành thắng lợi 1-0 trước đội tuyển Olympic Bahrain để lần đầu góp mặt tại vòng tứ kết của ASIAD.

Đây là thành tích tốt nhất của bóng đá trẻ Việt Nam tại đấu trường ASIAD.

Đánh giá về thành tích này, Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hoài Anh cho biết đội tuyển Olympic Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, tiếp tục viết nên những trang sử mới cho bóng đá nước nhà nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Tại vòng Tứ kết, Đội tuyển Olympic Việt Nam gặp Đội tuyển Olympic Syria vào ngày 26/8.

Sự kiện trong nước 20-26/8: Dấu mốc lịch sử của Olympic Việt Nam ảnh 1Nguyễn Công Phượng (trái) của Olympic Việt Nam ăn mừng cùng đồng đội sau bàn thắng duy nhất trong trận đấu vào lưới Olympic Bahrain tại vòng 1/8 ASIAD 2018 diễn ra ở Bekasi, Indonesia ngày 23/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Sáng 20/8, tại Cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-2018) - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người con ưu tú của quê hương An Giang giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, người chiến sỹ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ôn lại thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, tại Cù lao Ông Hổ, thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản.

Với những công lao, đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam, phong trào bảo vệ hòa bình thế giới và sự phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lênin; Ủy ban Giải thưởng quốc tế tặng Giải thưởng Lênin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”; cùng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý khác.

Sự kiện trong nước 20-26/8: Dấu mốc lịch sử của Olympic Việt Nam ảnh 2Bảo quản kỷ vật liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia
Từ ngày 23 đến 25/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia theo lời mời của Tổng thống Mulatu Teshome.

Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của lãnh đạo Việt Nam sau 42 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng, góp phần đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Ethiopia bước sang giai đoạn phát triển mới tích cực, hiệu quả, tương xứng với mối quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mulatu Teshome đã trao đổi toàn diện các mặt quan hệ song phương, thảo luận và nhất trí cao về những phương hướng, biện pháp nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ chính trị, tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, viễn thông, hàng không, văn hóa, du lịch, trong đó coi hợp tác kinh tế là cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đi vào thực chất và chiều sâu.

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mulatu Teshome đã chứng kiến lễ ký các biên bản hợp tác giữa hai nước, đó là Biên bản ghi nhớ về Hợp tác đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Đầu tư Ethiopia, Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ethiopia.

Sự kiện trong nước 20-26/8: Dấu mốc lịch sử của Olympic Việt Nam ảnh 3Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mulatu Teshome duyệt đội danh dự tại Lễ đón chính thức. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Việt Nam yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình
Chiều 23/8, trong cuộc Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc gần đây Đài Loan (Trung Quốc) đã tập trận bắn đạn thật, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà cho biết: “Việc Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam có căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định quyền chủ quyền, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa tới an ninh an toàn hàng hải, hàng không của khu vực, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình. Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên và yêu cầu Đài Loan (Trung Quốc) chấm dứt ngay các hành động này và không tiếp diễn các hành động tương tự trong tương lai”.

Sự kiện trong nước 20-26/8: Dấu mốc lịch sử của Olympic Việt Nam ảnh 4Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về hỗ trợ khẩn cấp người dân vùng thiên tai
Sáng 23/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị bàn về công tác hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất trên cả nước trong thời gian qua. Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện các địa phương bị thiệt hại.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết năm 2017, thiên tai đã khiến 4.109 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi hoàn toàn; 13.246 hộ dân đang phải sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn, có nguy cơ sạt lở cao.

Từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 1.022 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn.

Theo báo cáo của các tỉnh, đến thời điểm này, cả nước vẫn còn 5.592 hộ dân không có nhà ở hoặc đang ở nhà tạm; 42.106 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời để đảm bảo an toàn.

Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương về nhà ở và kết nối hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí 839 tỷ đồng, trong đó 391 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người dân xây dựng nhà ở, 447 tỷ đồng hỗ trợ bước đầu kết nối hạ tầng thiết yếu.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hỗ trợ đồng bào vùng lũ dựng lại nhà là công việc cấp bách. Trung ương và các địa phương cần nhanh chóng quyết định những giải pháp cần thiết, chủ động trong việc di dời, hỗ trợ người dân đang sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thủ tướng yêu cầu phải có nhà ở bằng các nguồn lực khác nhau trên tinh thần chính xác, kịp thời, minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần huy động các nguồn lực khác từ các lực lượng như: quân đội, công an, đoàn thanh niên, cộng đồng dân cư, gia đình, người thân... để cùng chăm lo cho người dân khắc phục khó khăn…

Sự kiện trong nước 20-26/8: Dấu mốc lịch sử của Olympic Việt Nam ảnh 5(Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Đoàn thể thao Việt Nam giành tấm Huy chương vàng đầu tiên ở ASIAD 2018
Ở ngày thi đấu thứ 6 kể từ khi Đại hội thể thao châu Á 2018 khai mạc, đội đua thuyền Rowing nữ Việt Nam gồm Lương Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền và Phạm Thị Thảo đã thi đấu xuất sắc đem về tấm Huy chương vàng đầu tiên ở môn chèo thuyền Rowing cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Đội tuyển Rowing Việt Nam có thành tích 7 phút 01 giây 11, trong khi đội Iran cán đích thứ 2 sau thời gian thi đấu 7 phút 04 giây 38.

Đây là tấm Huy chương Vàng lịch sử của đội Rowing Việt Nam tại đấu trường ASIAD.

Trước đó thành tích tốt nhất của Rowing Việt Nam tại các kỳ Á vận hội là vào năm 2014 khi đem về 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng. Kết quả này là cả quá trình nỗ lực không ngừng của các vận động viên cũng như ban huấn luyện đội tuyển Rowing./.

Sự kiện trong nước 20-26/8: Dấu mốc lịch sử của Olympic Việt Nam ảnh 6Đội đua thuyền Rowing Việt Nam trong phần thi chung kết nội dung thuyền bốn nữ hạng nhẹ tại Palembang, Indonesia, ngày 23/8. (Ảnh: THX/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục