Sự phát triển của bóng đá Cuba và cái bóng Fidel Castro

Bị chính trị chi phối nặng nề trong quá trình phát triển, bóng đá tại Cuba vẫn đang vươn lên một cách chậm chạp bất chấp quá khứ không hề tầm thường.
Sự phát triển của bóng đá Cuba và cái bóng Fidel Castro ảnh 1Đội tuyển bóng đá Cuba ở World Cup 1938. (Nguồn: Pinterest)

Bị chính trị chi phối nặng nề trong quá trình phát triển, bóng đá tại Cuba vẫn đang vươn lên một cách chậm chạp bất chấp quá khứ không hề tầm thường.


Quá khứ không nhỏ bé

Không nhiều người biết rằng, chính Cuba, chứ không phải quốc gia nào khác tại khu vực CONCACAF có đội tuyển quốc gia tham dự một kỳ World Cup. Năm 1938, dù phương tiện đi lại không được thuận tiện, Cuba vẫn cử đội tuyển quốc gia tới tham dự kỳ cúp thế giới lần thứ ba được tổ chức tại Pháp.

World Cup 1938 vẫn được biết như kỳ World Cup cuối cùng (sau World Cup 1934) thi đấu theo thể thức loại trực tiếp, tức không có… vòng bảng. Cuba hòa 3-3 với Romania ở lượt trận đầu tiên. Trong trận… đá lại sau đó, Cuba thắng 2-1 và lọt vào tứ kết trước khi thua Thụy Điển 0-8 và bị loại khỏi giải. Từ đó tới nay Cuba chưa từng trở lại đấu trường World Cup.

Ngoại trừ Đông Ấn Hà Lan (giờ là Indonesia), tất cả các quốc gia có mặt cùng Cuba tại Pháp năm đó đều góp mặt ít nhất là 2 lần nữa tại các kỳ cúp thế giới sau này. Song bất chấp việc vô duyên với World Cup, bóng đá Cuba trong thời gian sau này vẫn tạo ra được những dấu ấn của riêng họ. CAC Games, một kiểu thế vận hội mini giành cho những quốc gia khu vực Caribe và một số tại Nam Mỹ có thể không là điều gì quá to lớn với thể thao thành tích cao, nhưng với một quốc gia mới giành được độc lập sau năm 1959 với lãnh tụ Fidel Castro, những thành tích tại đây là hoàn toàn chấp nhận được.

Đội tuyển bóng đá nam Cuba đã giành được một huy chương bạc tại kỳ CAC Games vào năm 1966, và 3 chiếc huy chương vàng liên tiếp vào từ năm 1970-1978. Đây được coi là thời kỳ hoàng kim của bóng đá Cuba. Những chuyển biến tích cực này tới sau những quyết sách đúng đắn của Tổng thống Fidel Castro. Ký giả Eun McTear của These Football Times cho rằng, sự vươn lên đầy mạnh mẽ của Cuba trong giai đoạn này có dấu ấn rất lớn của những quốc gia Xã hội chủ nghĩa khác, mà cụ thể là Bắc Triều Tiên và Việt Nam (quan hệ giữa Cuba và Bắc Triều Tiên được gắn bó khăng khít sau sự kiện Vinh con lợn vào năm 1961, quan hệ giữa Cuba và Việt Nam có lẽ không cần bàn thêm).

Năm 1969, sau khi đội tuyển bóng đá nam Cuba gặp nhiều khó khăn, Liên đoàn bóng đá Cuba đã quyết định thuê một huấn luyện viên ngoại về dẫn dắt đội tuyển quốc gia. huấn luyện viên người Bắc Triều Tiên, Kim Yong-Ha được chọn để giao trọng trách này. Ông Kim, được các học trò thừa nhận là “nhà cầm quân xuất sắc nhất lịch sử đội tuyển quốc gia Cuba” đã quyết định đưa cả đội tuyển Cuba về quê hương Triều Tiên tập huấn trong 6 tháng. Chuyến đi bão táp này được kéo dài ra thêm một thời gian với điểm đến Việt Nam. đội tuyển Cuba thậm chí còn đá giao hữu với câu lạc bộ Thể Công (thua 2-3), và... tránh cả bom B52.

Chuyến tập huấn này đã cho ra quả ngọt không chỉ là những chiếc huy chương vàng môn bóng đá Nam tại CAC Games, mà còn là quyền được góp mặt tại Thế vận hội mùa Hè 1972 tại Montreal. Dù bị loại từ vòng bảng, nhưng Cuba đã cầm chân được Ba Lan cực mạnh khi đó của những Grzegorz Lato hay Andrzej Szarmach.

Sergio Pardon Moreno, người kế nhiệm huấn luyện viên Kim Yong-Ha sau này thừa nhận chuyến du đấu với quãng đường di chuyển lên tới 7500 dặm (12,533 cây số), từng khiến ba cầu thủ Cuba phải bỏ về giữa chừng, tới Bắc Triều Tiên cũng như Việt Nam này là bí quyết cho thời kỳ thành công của bóng đá Cuba.


Sự sa sút không thể ngăn cản

Cho dù bóng đá không thể trở thành mộn thể thao được ưa chuộng nhất tại Cuba vì Tổng thống Fidel Castro thích bóng chày hơn, song những thành tựu mà Cuba có được trong quá khứ là không thể xem thường. Chính vì lẽ ấy, càng bất ngờ hơn khi bóng đá Cuba giờ không thể đi tới đâu. Cần biết, thể thao Cuba trong các kỳ Olympic chỉ đứng sau Mỹ tại Châu Mỹ, và từ sau Olympic Montreal 1972, Cuba luôn giành huy chương vàng tại các kỳ thế vận hội mùa Hè. Vậy vì đâu mà bóng đá Cuba sa sút, không thể vươn lên đúng với tiềm năng lớn đó.

Cuba không có những giải đấu thể thao chuyên nghiệp, các vận động viên nói chung ở quốc gia này không thể kiếm tiền lương riêng mà phải dựa hoàn toàn vào sự trợ cấp của chính phủ. Trước khi dần bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 2015, các vận động viên thể thao Cuba không thể chơi bóng tại nước ngoài nếu chưa được sự cho phép của chính phủ. Nếu như các môn thể thao như điền kinh, bóng chày... có thể phát triển chỉ với nguồn lực mạnh kết hợp với các chuyến tập huấn, thì sự phát triển bóng đá không thể diễn ra theo cách tương tự.

Việc đóng cửa, bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài khiến bóng đá tại xứ sở nổi tiếng về xì-gà này dậm chân tại chỗ quá lâu. Năm 2002, hai cầu thủ của Cuba thậm chí còn… trốn ở lại Mỹ sau khi tới đây thi đấu Gold Cup. Họ muốn ở lại Mỹ vĩnh viễn và chơi bóng tại giải nhà nghề Mỹ MLS để nuôi gia đình tại Cuba. Hai trường này chỉ là số ít trong số tổng cộng những cầu thủ bóng đá Cuba từng trốn ở lại Mỹ. Những thống kê của tờ New York Times cho thấy rằng kể từ năm 1999, đã có 30 trường hợp cầu thủ Cuba ở lại Mỹ sau khi tới thi đấu tại đây với tư cách tuyển thủ quốc gia!

Năm 2001, sáu thành viên đội tuyển bóng chuyền Cuba thậm chí còn trốn ở lại Bỉ trước khi sang Italy sinh sống. Bóng đá, cũng như bóng chuyền, đều là những môn thể thao cần một môi trường chuyên nghiệp, và Cuba ở thiên niên kỷ mới không thể cho những môn thể thao này điều kiện để phát triển, bắt kịp phần còn lại của thế giới.

Sự phát triển của bóng đá Cuba và cái bóng Fidel Castro ảnh 2Đội tuyển bóng đá Cuba ở thời điểm hiện tại. (Nguồn: Fifa World Cup)

Tháng 4/2016, chưa đến một năm sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Cuba đã đón nhận sự thay đổi mang tính lịch sử khi cầu thủ Maykel Reyes chuyển tới Mexico thi đấu cho câu lạc bộ hạng ba, Cruz Azul Premier. Reyes là cầu thủ Cuba đầu tiên chuyển ra nước ngoài thi đấu. Tại Mexico, Reyes kiếm được 325USD/tháng, cao gấp… 16 lần số tiền mà anh có được tại Cuba. “Một thế hệ cầu thủ Cuba mới sẽ có thêm rất nhiều động lực. Trong quá khứ, giấc mơ thi đấu ở nước ngoài chỉ là chuyện xa vời” - sử gia Mario Lara nói với CNN.

Năm 2016, khi Triều Tiên đã tham dự World Cup, Venezuela từng về đích thứ ba tại Copa America, thì Cuba coi việc một cầu thủ chuyển tới nước ngoài thi đấu là một sự kiện lịch sử. Những quyết định đậm màu sắc chính trị rõ ràng đã hạn chế tiềm năng lớn của bóng đá Cuba. Song nếu nhìn vào phần còn lại của chiếc cốc vơi, thì những dấu hiệu đầu tiên của việc bóng đá Cuba trở lại đã xuất hiện, mà quyết định mở cửa với quốc tế có thể là điểm nhấn đầu tiên.

Sau cùng, thì nếu không đi, sẽ chẳng có con đường nào được hình thành cả./.

(Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục