Sức chống chịu, tiềm lực nền kinh tế đang bị suy kiệt vì dịch COVID-19

Các doanh nghiệp và người lao động rất cần sớm có các gói hỗ trợ kích thích phục hồi để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Toàn cảnh phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Toàn cảnh phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cho ý kiến vào các nội dung có liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách, lao động việc làm, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng trải qua 4 đợt dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta đang hứng chịu những ảnh hưởng sâu rộng của dịch. Vì thế, thời gian tới đây cần ban hành gói kích thích, phục hồi kinh tế.

Kinh tế ‘rơi thẳng đứng’ sau 4 tháng chống dịch COVID-19

Tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào chiều 8/11, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng việc hạn chế lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách thuế đồng nghĩa với việc trong những năm tới đây sẽ hạn chế miễn giảm thuế. Bởi vậy Quốc hội cần cân nhắc do ảnh hưởng của dịch bệnh là rất lớn.

Đánh giá trong 3 năm qua việc miễn giảm thuế đã được sử dụng như một biện pháp hữu hiệu, theo Đại biểu Mai, nếu thời gian tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích, phục hồi kinh tế, đề nghị Chính phủ, Quốc hội nên áp dụng các chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Chỉ ra thực tế khi kế sinh nhai và việc làm của nhóm người nghèo khó tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch bệnh, nữ đại biểu này cho rằng tình trạng kiệt quệ và khoảng cách giàu nghèo tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp hữu hiệu. Bà đề nghị có giải pháp căn cơ để tạo việc làm, giúp đỡ người lao động, cải thiện thu nhập để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

[Chính phủ cần có chính sách tổng thể, tránh ‘đứt gãy’ nền kinh tế]

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đưa ra nhận định qua 4 tháng chống dịch, kinh tế Việt Nam đã “rơi thẳng đứng” từ mức tăng trưởng dương 6,61% ở quý 2 xuống -6,17% ở quý 3. Đi kèm đó, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng nghìn người mất việc làm phải rời bỏ về quê hương.

“Điều đó cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của nền kinh tế đang bị suy kiệt,” Đại biểu Cường đánh giá.

Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, ông Cường cho rằng các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn cần vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân phối lại chuỗi cung ứng.

Mặt khác, vị Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đề xuất cần có chính sách cấp bù lãi suất để doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát bởi hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù đắp được chi phí lãi suất vay cao như thị trường; tăng cường trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn, gia tăng.

“Nếu ngân sách dành ra 30.000-40.000 tỷ để cấp bù thì Việt Nam sẽ có 1 triệu tỷ đồng tiền vốn lãi suất thấp để giúp doanh nghiệp phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để các doanh nghiệp đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán,” Đại biểu Cường phân tích sâu thêm.

Cơ cấu lại lao động trong nền kinh tế

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) lại cho rằng ngay từ năm 2019 dịch COVID-19 tác động sâu sắc tới mọi mặt của đất nước, vì thế ngân sách Trung ương tiếp tục hỗ trợ nên Chính phủ chủ động cân đối, trong đó tập trung ngân sách địa phương đủ mạnh, tiếp tục cơ cấu ngân sách nợ công, đề cao vai trò chủ động của ngân sách Nhà nước, giải quyết vấn đề an sinh, tăng tính chủ động của địa phương.

Theo Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận), trong dịch COVID-19 đã tạo sự chuyển dịch, thiếu hụt lao động phục hồi sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, vì thế cần điều tra khảo sát mong muốn nhu cầu người lao động, hỗ trợ cần thiết để lao động tái thiết cuộc sống, an sinh xã hội thúc đẩy người lao động quay trở lại làm việc khu công nghiệp chế xuất.

Về lâu dài, bà Hương đề nghị cần bố trí lại lao động trong nền kinh tế, về các khu vực lân cận.

Sức chống chịu, tiềm lực nền kinh tế đang bị suy kiệt vì dịch COVID-19 ảnh 1Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về lao động và việc làm, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhìn nhận hai năm qua, lao động nước ta đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng. Dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn nhiều tiềm ẩn phức tạp và khó khăn.

Vì thế, ngoài việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân để duy trì lại nguồn cung lực lượng lao động an toàn, ông đề nghị cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

[Doanh nghiệp cần thay đổi gì để kinh doanh bền vững hơn?]

Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động; ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ tại quê nhà…

“Đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế, đào tạo đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, tránh việc đào tạo tràn lan, tốn kém nhưng lại không đáp ứng với yêu cầu thực tiễn,” vị Đại biểu đoàn Quảng Bình nói.

Theo Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) thời gian qua, nhiều địa phương đã quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xây dựng cụm công nghiệp lớn để thu hút nguồn lực tại chỗ và các địa phương khác đến.

Tuy nhiên, bà Hạnh thừa nhận việc đầu tư hạ tầng xã hội, y tế hay thiết chế nhà ở chưa được quan tâm, do đó khi có vấn đề xảy ra thì lúng túng, thậm chí khủng hoảng.

“Nếu không phát triển hài hòa kinh tế-xã hội trong vùng, chỉ phát triển ở những nơi có lợi thế mà không có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ dẫn đến quá tải về dân số, hạ tầng, y tế, giáo dục ở một số địa phương và không tạo được động lực phát triển kinh tế-xã hội. Khi dịch bệnh xảy ra thì bệnh viện tuyến cuối quá tải, gây áp lực lớn cho công tác điều trị,” bà Hạnh nêu thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục