Chiều 22/8, tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra một cuộc triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng (25/8/1911-25/8/2011), kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Chân dung người con ưu tú của dân tộc Gần 200 bức ảnh đã tạo thành một chân dung lớn, về nhiều mặt, nhiều giai đoạn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Triển lãm phác họa một cách chân thực về cuộc đời xuyên qua hai thế kỷ và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đại tướng, người con ưu tú của dân tộc. Được biết, 200 bức ảnh được chọn lọc từ gần 300 bức ảnh trong cuốn sách ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin Truyền thông) phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ra mắt độc giả từ dịp này. Trong lời tựa của cuốn sách ảnh này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Với gần 300 bức ảnh chọn lọc, cuốn sách ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã phác họa khá đầy đủ và chân thực bức chân dung sống động về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài ba, một nhà cách mạng nổi tiếng, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con ưu tú của dân tộc, được nhân dân cả nước yêu mến và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ."
Họp báo trước khai mạc triển lãm
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Có thể nói, tên tuổi của Đồng chí Võ Nguyên Giáp, cùng tên tuổi của các bậc tiền bối, lão thành cách mạng đã trở thành biểu tượng cho cả một thế hệ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo, gây dựng, góp phần làm nên một thời đại vẻ vang của dân tộc Việt Nam." Giáo sư Vũ Khiêu viết trong lời giới thiệu cuốn sách: “Trong lịch sử vẻ vang của ngàn năm Thăng Long-Hà Nội, thì trăm năm cuối cùng trong ngàn năm ấy là trăm năm quan trọng nhất, khó khăn nhất nhưng lại rực rỡ nhất, thành công nhất. Trong một trăm năm này, nổi bật lên hình ảnh chói lọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh và sau đó là hình ảnh rực rỡ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các nhà lãnh đạo lỗi lạc của dân tộc."
Chính giữa hai khu trưng bày lớn của nhà Triển lãm Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, sẽ kéo dài đến ngày 3/9/2011. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đã nói trong lễ khai mạc rằng "chúng ta tự hào vì có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mong Đại tướng sống thật lâu cùng hcúng ta để chứng kiến nước nhà có nhiều thay đổi, thành công mới." Nức lòng người về triển lãm Phóng viên Vietnam+, trao đổi cùng nhà giáo Lê Hà, 76 tuổi ở phố Đào Tấn, Hà Nội. Ông cho biết: Tôi nguyên là giáo viên dạy môn vật lý của trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi. Mặc dù dạy môn Vật lý nhưng khi dạy học trò, con cháu và con cháu mình tôi luôn kể những câu chuyện về Đại tướng để giáo dục học trò cũng như con cháu mình. Giáo dục lòng yêu nước và cả sự linh hoạt trong xử lý các vấn đề. Qua phân tích các quyết định của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta có thể thấy rõ điều này." "Được biết có triển lãm, mặc dù đau yếu do từng đã bị tai biến mạch máu não, nhưng tôi vẫn bắt xe buýt lên dự khai mạc và xem triển lãm. Tự hào xúc động là cảm giác của tôi. Tôi thấy hạnh phúc vì hiểu được Đại tướng giữa đời thường và trong nhiều lĩnh vực khác ngoài vai trò lớn là Vị Tổng tư lệnh của quân đội ta... Là một nhà giáo dục, tôi thấy rất phấn khởi," ông Lê Hà nói.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ với phóng viên: "Tại bảo tàng của chúng tôi đã có từng có những dịp trưng bày, có nhiều ảnh về Đại tướng nhưng đến triển lãm này mới có những bức ảnh mà bảo tàng khôgn có được. Những hình ảnh tổng hợp về Đại tướng đồng thời cũng là tư liệu về các giai đoạn lịch sử trọng đại của nước nhà. Một trăm năm cuộc đời của vị đại tướng đã gắn bó đặc biệt với cách mạng Việt Nam."
Ngài Chérif Chikhi, Đại sứ Algeria
Phóng viên tiếp cận cùng ngài Chérif Chikhi, Đại sứ Algeria khi thấy ông đứng lâu và xúc động trước ở bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Tổng thống Abdelaziz Boutèlika của Algeria tại Nhà khách chính phủ ngày 16/10/2000. Khi được hỏi về cảm xúc khi đến xem triển lãm, ngài Chérif Chikhi nói: "Tôi đã từng biết về Đại tướng và lịch sử Việt Nam, qua triển lãm này lại càng hiẻu hơn về Đại tướng lỗi lạc của các bạn, hiểu hơn về cách mạng việt Nam. Đặc biệt, là lịch sử tình hữu nghị của hai dân tộc. Tôi thấy rất thú vị vì cuộc triển lãm này có nhiều bạn trẻ tham dự." Bạn Bùi Huyền Hồng Ngân, một giáo sinh mầm non ở Thanh Trì chia sẻ: "Em đã vội đến triển lãm vì biết rằng nếu xem vào ngày khai mạc sẽ được gặp nhiều nhân vật liên quan đến Đại tướng, gặp các nhà nhiếp ảnh. Em chỉ biết bác Giáp qua trang sách và trên truyền hình, lần này em được cùng một lúc có được những nhận thức quý giá, ấm áp. Bác Giáp thật gần gũi, giản dị"
Ảnh trong một "phiến sách" được trưng bày Ông Phạm Đức Hùng, thường trực Ban liên lạc Cựu Chiến binh bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam thì cho rằng: "Tôi đã chụp được 5-7 tấm ảnh, còn lại là những tác phẩm tôi sưu tầm được. Gần nửa số ảnh trong cuộc triển lãm này tôi tham gia sưu tầm gìn giữ. Tôi nghĩ rằng nếu không sưu tập ảnh là có lỗi với lịch sử và những bức ảnh sưu tầm được thì phải hất sức quan tâm bảo quản, chống lại hư hỏng." Điều thú vị ở cựu chiến binh này là, ông đã ép mặt sau của danh thiếp là ảnh chụp cùng Đại tướng như một niềm tự hào bất tận. Mỗi người một hoàn cảnh, một xuất phát nhưng điểm đến là phòng triển lãm với niềm xúc động chân thành về vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc./.
Nguyễn Anh-Thúy Mơ (Vietnam+)