Một phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã chụp được hình ảnh kỳ lạ của Trái Đất, với hai khối phát sáng màu xanh lam bay lơ lửng trong bầu khí quyển.
Hai vật thể phát sáng màu xanh lam trong bức ảnh do một phi hành gia thuộc nhiệm vụ Expedition 66 ISS chụp được, khi trạm bay ngang Biển Đông vào ngày 30/10/2021, trông giống như tới từ những hành tinh khác.
Thực tế, chúng là kết quả của hai hiện tượng tự nhiên đã xảy ra cùng một lúc với nhau. Bức ảnh mới được Đài quan sát Trái Đất của NASA công bố vào ngày 9/10 vừa qua.
Theo LiveSciene, khối phát sáng đầu tiên và nằm ở góc dưới cùng của bức ảnh là một tia sét lớn đã xuất hiện ở đâu đó trong Vịnh Thái Lan. Các tia sét thường khó nhìn thấy từ ISS, vì chúng bị bao phủ bởi các đám mây.
Nhưng tia sét đặc biệt này xảy ra bên cạnh một khoảng trống lớn, hình tròn, trên đỉnh của các đám mây đang hoạt động trong Vịnh. Tia sét đã chiếu sáng các bức tường mây bao xung quanh, tạo ra một khối cầu phát sáng trông khá ma mị.
Khối sáng màu xanh lam thứ hai, được nhìn thấy ở trên cùng bên phải của bức ảnh, là kết quả của ánh sáng Mặt Trăng bị biến dạng.
[Thông tin bất ngờ về tiểu hành tinh lớn nhất từng đâm vào Trái Đất]
Mặt Trăng phản xạ lại ánh sáng Mặt Trời và do vị trí đặc biệt của ISS nên ánh sáng phản xạ sẽ phải đi qua bầu khí quyển của Trái Đất trước khi tới trạm vũ trụ. Quá trình đi qua bầu khí quyển, ánh sáng sẽ bị tán xạ và đổi màu thành xanh sáng.
Các màu khác nhau của ánh sáng có thể quan sát bằng mắt thường có bước sóng khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tương tác của chúng với các hạt trong khí quyển.
Ánh sáng xanh lam có bước sóng ngắn nhất và do đó có khả năng bị tán xạ cao nhất. Đây là lý do khiến ánh sáng phản chiếu từ Mặt Trăng bị chuyển sang màu xanh lam trong bức ảnh.
Hiệu ứng tương tự cũng giải thích tại sao bầu trời luôn có màu xanh lam vào ban ngày. Nguyên nhân do các bước sóng màu xanh lam của ánh sáng Mặt Trời bị phân tán nhiều nhất và trở nên dễ nhìn hơn đối với mắt người./.