Suphan Burin là một tỉnh ở miền Trung Thái Lan, cách thủ đô Bangkok chừng hai giờ đi xe. Nơi đây không chỉ là vùng đất đa dạng về văn hóa mà còn là điểm du lịch nổi tiếng với những công trình nhân tạo độc đáo.
Nhiều người Thái Lan đã ví von rằng đi thăm Suphan Buri giống như được trôi theo dòng lịch sử của tỉnh này kể từ khi Suphan Burin bắt đầu là một thị trấn biên giới quan trọng của Vương quốc Ayutthaya, một nhà nước hưng thịnh trong lịch sử phát triển của Thái Lan.
Chùa Pa Lelai là một địa điểm điển hình ghi lại dấu mốc lịch sử của Suphan Buri. Ngôi chùa này được xây dựng vào thời kỳ đầu của Vương quốc Ayutthaya, trong đó có một bức tượng Phật khổng lồ cao 23,5m. Đây cũng từng là ngôi chùa thuộc về Hoàng gia bởi trên nóc của khu nhà nguyện còn ghi khắc lại biểu tượng ngai vàng của Nhà Vua Rama IV.
Có truyền thuyết kể lại rằng Vua Mongkut (Rama IV) đã tìm thấy ngôi chùa này trong thời gian ông đi tu hành và sau đó ông đã quyết định khôi phục lại chùa khi lên ngôi.
Sự đa dạng về truyền thống văn hóa của Suphan Buri chính là nhờ sự đa dạng về sắc tộc. Các cộng đồng người gốc Việt, Hoa, Lào, Campuchia đã tới vùng đất này định cư từ hàng trăm năm trước và họ sống rất hòa thuận với người Thái tại đây.
Ông Phisit Changphasuk, đại diện Sở du lịch Suphan Burin, cho biết: "Suphan Buri là một nơi rất giàu truyền thống. Tỉnh cũng nổi tiếng là điểm có sự đa dạng về văn hòa và sắc tộc. Các cộng người Việt, Hoa, Lào, Campuchia từng tới đây định cư từ lâu đời và họ đã góp phần tạo nên những nét văn hóa đa dạng cho địa phương. Ở Suphan Buri có cả các điểm du lịch về văn hóa lịch sử và những công trình nhân tạo độc đáo thu hút khách du lịch như chợ Sam Chuk, Bảo tàng hậu duệ Rồng tiên, Công viên tháp Banharn-Jamsai..."
Chợ Sam Chuk hàng trăm năm tuổi được coi là một bảo tàng sống động nhất, nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Tại đây bạn sẽ có cảm giác như lạc vào không gian của cuộc sống cổ xưa, với những con đường lát đá chạy giữa các dãy nhà tầng bằng gỗ có niên đại hàng trăm tuổi. Giữa chợ còn tồn tại một khu nhà gỗ từng là một khách sạn lớn ở khu vực này, trong đó có cả rạp chiếu phim và một hiệu chụp ảnh bày la liệt các bức ảnh cổ. Tất cả đều có tuổi đời hơn một trăm năm.
Khu vực này có lẽ từng là nơi buôn bán sầm uất nhất của những người gốc Hoa và Việt Nam khi họ di cư tới đây và bắt đầu một cuộc sống trên vùng đất mới. Khu chợ hiện đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa.
Cộng đồng người Hoa để lại dấu ấn đậm nét về văn hóa tại Suphan Buri bằng công trình Bảo tàng hậu duệ Rồng tiên. Đây là một điểm du lịch nhân tạo rất thu hút khách thăm quan nhờ nét kiến trúc độc đáo và những câu chuyện về lịch sử phát triển của họ.
Bảo tàng này mất 10 năm lên kế hoạch và 600 ngày xây dựng. Điểm nổi bật nhất là con rồng khổng lồ dài hơn 100m được làm bằng sợi thủy tinh nhiều màu sắc nằm phủ lên toàn bộ tòa nhà bảo tàng. Chủ đầu tư xây dựng khu bảo tàng này là cựu Thủ tướng Thái Lan Banharn Silpa-archa, một người gốc Hoa sinh ra và lớn lên ở Suphan Buri.
Ông Phisit nói thêm: "Suphan Burin đã chuẩn bị sẵn sàng để đón khách du lịch trong khu vực ASEAN khi Cộng đồng chung được hình thành vào cuối năm 2015. Tỉnh này có vị trí rất thuận lợi là cửa ngõ nối từ Myanmar qua Kanchanaburi lên miền Bắc Thái Lan. Hiện nay, ngoài lượng khách du lịch nội địa, số lượng khách đến từ khu vực ASEAN đã bắt đầu tăng lên. Chính quyền địa phương cũng đã chú trọng thực hiện công tác chuẩn bị như mở rộng khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn trong hai ba năm gần đây."
Một trong những công tác chuẩn bị rõ ràng nhất của Suphan Buri là việc hoàn thành nâng cấp Công viên tháp Banharn-Jamsai. Tại đây, du khách có thể leo lên độ cao gần 100m trong tòa tháp để ngắm toàn cảnh Suphan Buri, tương tự như tòa tháp Baiyok ở Bangkok.
Theo người dân địa phương, vì tỉnh này có ít điểm vui chơi tham quan tự nhiên, nên họ phải tạo ra những điểm du lịch nhân tạo như công trình Bảo tàng hậu duệ Rồng tiên và Công viên tháp Banharn-Jamsai này để thu hút du lịch./.