Suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 khiến Chính phủ liên bang Australia và chính quyền các bang lâm vào tình trạng nợ nần, dự kiến tổng nợ ròng tài khóa 2023-2024 lên tới 1.400 tỷ AUD (980 tỷ USD).
Đại dịch đã buộc chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới phải tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế, tăng đầu tư và chi tiêu công.
Là một trong những quốc gia có các gói kích thích thuộc tốp đầu thế giới, kết thúc tài khóa 2019-2020, nợ ròng của Australia ước tính lên tới hơn 491 tỷ AUD (350 tỷ USD), tương đương 24,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Cơ quan Thống kê Australia (ABS) tính toán đến tài khóa 2023-2024, nợ ròng của tất cả các cấp chính quyền của Australia sẽ lên tới hơn 1.400 tỷ AUD, trong đó 966 tỷ AUD ở cấp liên bang.
Tổng hợp nợ ròng của tám bang và vùng lãnh thổ của Australia tính đến thời điểm hiện nay đã lên tới 123,5 tỷ AUD (85 tỷ USD), trong đó bang New South Wales, bang đông dân nhất cả nước, ở vị trí đầu tiên với khoản nợ ròng hơn 10 tỷ AUD (7 tỷ USD) vào đầu tài khóa 2019-2020 và dự kiến sẽ ở mức trên 104 tỷ AUD (70 tỷ USD) vào tài khóa 2023-2024.
Tiếp theo là bang Victoria - bang đông dân thứ hai và bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 tại Australia, nợ ròng hơn 44 tỷ AUD (31 tỷ USD) kết thúc tài khóa 2018-2019, dự kiến vượt mức gần 155 tỷ AUD (108,5 tỷ USD) trong tài khóa 2023-2024.
[Australia hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử]
Cơ quan xếp hạng S&P Global cho biết Victoria là bang phải hứng chịu cú sốc kinh tế lớn nhất trong lịch sử Australia thời hậu chiến, với mức thiệt hại kinh tế cao hơn cả thời kỳ suy thoái 1990-1991.
Trong bản cập nhật ngân sách tài khóa 2020-2021 vừa công bố, cơ quan tài chính bang Victoria dự báo kinh tế của bang này sụt giảm khoảng 4% trong tài khóa hiện tại, trước khi phục hồi với mức tăng trưởng 7,75% tài khóa 2021-2022 nhờ tăng chi tiêu và cải thiện việc làm.
Chưa công bố ngân sách 2020-2021, song bang Queensland và Lãnh thổ Thủ đô (ACT) dự đoán nợ công sẽ gia tăng trong bốn năm tới.
Chỉ có West Australia là bang duy nhất được cho là nợ công ròng đã đến mức đỉnh và bắt đầu bước vào giai đoạn giảm mức nợ từ nay cho đến tài khóa 2023-2024. Đây cũng là bang duy nhất ở Australia không dự báo thâm hụt trong tài khóa 2020-2021 nhờ nguồn thu từ giá quặng sắt xuất khẩu tăng cao và việc thu thuế được đảm bảo.
Bất chấp mức nợ công tăng cao cả ở cấp địa phương và liên bang, Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (ngân hàng trung ương) Guy Debelle ngày 24/11 cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu chính quyền chấm dứt các gói hỗ trợ quá sớm.
Ông Debelle cho rằng cần có nhiều hơn nữa các chính sách kinh tế vĩ mô sâu hơn và mạnh mẽ hơn để giúp phục hồi kinh tế và việc làm.
Theo quan chức này, một trong những bài học quan trọng nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là thời điểm thu hẹp quy mô các gói hỗ trợ kinh tế, theo đó nếu dừng quá sớm các biện pháp hỗ trợ, kinh tế quốc gia sẽ khó có thể phục hồi nhanh chóng./.