Tác động tích cực từ sử dụng di sản trong dạy học

Theo đánh giá của nhiều trường, việc sử dụng di sản trong dạy học đã có tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm của học sinh.
Ngày 20/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban "Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông."

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, lãnh đạo Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đại diện các Sở, trường có triển khai sử dụng di sản trong dạy học.

Trong 1 năm thí điểm, có 8 Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia đã nhận thấy rằng việc sử dụng di sản trong dạy học đã đạt được những kết quả quan trọng về mặt nhận thức, về năng lực giáo viên, về tác động đối với kết quả học tập của học sinh...

Trong đó, cơ bản đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên về sử dụng di sản trong dạy học. Tạo được sự đồng thuận giữa cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và ngành văn hóa, thể thao và du lịch địa phương, cơ sở về việc sử dụng di sản trong dạy học các môn tham gia thí điểm ở trường phổ thông.

Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã tích cực sử dụng di sản trong dạy học trong các bài học cụ thể, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức học sinh dạy học trải nghiệm tại di sản như trường trung học cơ sở Nông Trang (Phú Thọ) với các môn lịch sử, âm nhạc, địa lý; trường trung học cơ sở Hồng Hải - Hạ Long (Quảng Ninh) với hoạt động ngoài giờ môn âm nhạc; trường trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (Hà Nội) với dạy học tại di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám môn lịch sử...

Thông qua việc áp dụng thí điểm, năng lực nhiều giáo viên đã được nâng cao thể hiện ở khả năng thiết kế tiến trình dạy học và tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh. Khả năng sưu tầm, xử lý tài liệu dạy học và thiết bị dạy học của giáo viên và học sinh được nâng cao.

Nhiều giáo viên đã xây dựng hệ thống tư liệu về di sản cho chủ đề dạy học nhằm hỗ trợ hoạt động tìm tòi, khám phá của học sinh. Khả năng tổ chức hoạt động dạy trên lớp, dạy học trải nghiệm đã giúp kỹ năng tổ chức hoạt động nhóm, kỹ năng điều khiển thảo luận, kỹ năng đặt câu hỏi, tổ chức quản lý... của giáo viên được nâng lên đáng kể.

Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều trường, việc sử dụng di sản trong dạy học cũng có tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm của học sinh. Học sinh đã nhận thức được giá trị của các di sản văn hóa, thấy yêu quý và trân trọng hơn, tự hào hơn về quê hương mình, từ đó có thái độ, hành vi đúng đắng để bảo tồn, phát huy các di sản.

Việc sử dụng di sản trong dạy học cũng góp phần đẩy mạnh, hướng dẫn hoạt động nhận thức, kích thích hứng thú, giúp học sinh phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức, góp phần phát triển một số kỹ năng sống ở học sinh và giáo dục nhân cách cho học sinh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng trước những hiệu quả tích cực mà việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, cần tăng thêm một số môn học có sử dụng di sản như ngữ văn, mỹ thuật; triển khai đại trà trong toàn quốc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông các môn lịch sử, địa lý, âm nhạc, ngữ văn và mỹ thuật.

Các trường cần tăng cường tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên thông qua các buổi dự giờ, các buổi họp chuyên môn. Thông qua hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để tất cả giáo viên cùng nâng cao trình độ.

Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để giúp học sinh hứng thú hơn trong quá trình học tập như dạy học trên lớp, dạy học tại di sản và tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Để việc giảng dạy hiệu quả hơn, cần gắn sử dụng di sản trong dạy học với kiến thức thực tiễn để phát huy năng lực học tập của học sinh./.

Ngọc Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục