Tác giả tiểu thuyết "Tên của hoa hồng" qua đời ở tuổi 84

Đêm 19/2, Umberto Eco, nhà văn và là một trong những học giả lỗi lạc nhất của Italy thời hiện đại đã qua đời ở nhà riêng, thọ 84 tuổi.
Tác giả tiểu thuyết "Tên của hoa hồng" qua đời ở tuổi 84 ảnh 1Umberto Eco. (Nguồn: theguardian.com)

Đêm 19/2, Umberto Eco, nhà văn và là một trong những học giả lỗi lạc nhất của Italy thời hiện đại đã qua đời ở nhà riêng, thọ 84 tuổi.

Là tác giả của cuốn "Tên của hoa hồng," một tác phẩm văn học được xuất bản năm 1980, cho tới nay đã được dịch ra 47 thứ tiếng và bán hơn 50 triệu bản trên toàn thế giới, Eco là một trong những tên tuổi sáng giá nhất trong đời sống văn hóa và xã hội Italy trong suốt 50 năm qua.

Sinh năm 1932 ở Alessandria, miền Tây Bắc Italy, Eco học triết học và ngay từ thời học sinh đã rất quan tâm đến triết học, thần học và văn hóa thời Trung cổ, đề tài đã được ông khai thác trong rất nhiều các tác phẩm ngắn và dài được xuất bản trong nhiều thập kỷ.

Eco quan tâm nhiều đến những câu chuyện tôn giáo, những điều bí hiểm và ông lồng ghép các triết lý sống hoặc triết lý thần học về Trái đất trong các tác phẩm của mình. Sự hài hước cũng thường xuyên xuất hiện.

Các tác phẩm của Eco cũng luôn có các đoạn chú giải, đối thoại bằng tiếng Latinh và được bao phủ bởi một lớp các ngữ nghĩa mang tính bí hiểm.

Cách thức đó được thể hiện cả trong các tiểu thuyết của ông. Ngoài "Tên của hoa hồng" viết về thời Trung cổ, tiểu thuyết "Quả lắc của Foucault" cũng là một tác phẩm có giá trị về lịch sử các tu sỹ thánh chiến dòng Đền và Chén Thánh, đề cập đến hàng loạt những điều bí hiểm trong cuộc sống ở thời Trung cổ.

Sau đó, trong cương vị giáo sư, ông cũng tham gia giảng dạy ở rất nhiều trường đại học lớn của Italy và thế giới, tham gia nghiên cứu về truyền thông và tác động của truyền thông đối với xã hội, chỉ ra sự lợi dụng của quyền lực đối với truyền thông để định hướng xã hội.

Các tác phẩm nghiên cứu của Eco về đề tài này nhận được sự quan tâm sâu sắc của giới học giả, giới phê bình và các nhà nghiên cứu.

Ngoài ra, Eco cũng tự coi mình là một nhà ký hiệu học, ngôn ngữ học, nhà báo, nhà chính trị và xã hội học.

Eco chỉ trích mạnh mẽ hệ thống chính trị Italy, lên án các chính sách đối ngoại của Mỹ đối với thế giới, đồng thời thể hiện các quan điểm chính trị và xã hội của mình qua "Tự do và công lý," một tổ chức tập hợp các trí thức tiến bộ của Italy.

Ngoài "Tên của hoa hồng," được coi là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất thế giới trong thế kỷ 20, đã được dịch ra tiếng Việt, một số tác phẩm khác của Eco cũng đã được chuyển ngữ và đến với độc giả Việt Nam như "Đi tìm sự thật biết cười," "Luận văn của Umberto Eco" và "Nghĩa địa Prague."

Tác phẩm cuối cùng của ông được xuất bản ở Italy là "Năm số 0" (Anno zero), được phát hành năm 2015.

Eco là tác giả của hàng trăm bài báo, xã luận, các tác phẩm nghiên cứu về trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, ký hiệu, chính trị học, thần học cho tới văn học.

Umberto Eco đã được nhà nước Italy trao danh hiệu Hiệp sỹ cho những đóng góp lớn lao của ông cho ngành văn hóa và nghệ thuật và được Pháp trao Bắc đẩu bội tinh cùng nhiều danh hiệu của nhiều nước khác, cho những thành tựu của ông trong sự nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục