Lolita-nỗi buồn dịch thuật

Tác phẩm Lolita tiếng Việt- nỗi buồn dịch thuật

Sau khi đến với công chúng, bản dịch tiếng Việt tác phẩm "Lolita" lập tức nhận được nhiều phản ứng đa chiều từ chuyên gia và độc giả.
"Lolita” là tác phẩm có số phận không dễ dàng. Và dù đã trở thành một tác phẩm có giá trị kinh điển nhưng Lolita cũng gây ra nhiều sự tranh cãi nhất của  văn chương thế kỷ 20.
 
 Sở dĩ vậy vì Lolita đề cập đến mối quan hệ bao gồm cả sex của nhân vật chính Humbert Humbert, một người khá nhiều tuổi với một cô gái 12 tuổi tên là Dolores Haze (Lolita).
 
 "Lolita” từng bị cấm ở nhiều quốc gia khác nhau. Và chính bởi những tranh cãi triền miên trên văn đàn thế giới xung quanh tác phẩm này nên khi bản dịch "Lolita" tiếng Việt được ấn hành, cuốn sách đã được "cẩn thận" đi kèm một chiến dịch PR, quảng cáo khá rầm rộ của nhà sách phát hành là công ty Nhã Nam.
 
 Tuy thế, Lolita cũng không gặp nhiều may mắn ở Việt Nam. Dù chiến dịch PR đã mang đến nhiều bài viết bênh vực... thì những xầm xì về các lỗi dịch, về lỗi hiểu sai tiếng Anh, về văn phong, ngữ pháp tiếng Việt trong bản dịch "Lolita" càng ngày càng bị phát hiện ra nhiều hơn trên các diễn đàn đã buộc các chuyên gia ngôn ngữ vào cuộc. Ngay sau khi bản dịch tiếng Việt đến với công chúng, nó lập tức nhận được các phản ứng đa chiều từ phía nhiều chuyên gia văn học - dịch thuật và cả của độc giả. 
 
 Những sai phạm “ấu trĩ”

 
 Rất nhiều lỗi dịch của "Lolita" đã được liệt kê, và thật đáng tiếc, có đến hàng chục lỗi nghiêm trọng nằm ngay trong lời nói đầu của bản dịch. Có những lỗi khá buồn cười, thậm trí ấu trĩ như đoạn thiếu thủ đô Washington hay tự nhiên lại thừa ra một người anh họ ngay trong đoạn văn đầu tiên của lời nói đầu [Thực ra người anh họ lỗi lạc này chính là ông luật sư Clark, cách dịch thành “anh họ” chưa chuẩn xác cộng thêm văn phong tiếng Việt lủng củng đã khiến độc giả không hiểu - chú giải của tác giả]
 
 Lỗi dịch này còn lặp lại một lần nữa tại chương 10, cũng do dịch giả hiểu sai về nghĩa của từ “cousin” nên đã khiến tiểu thuyết lại thừa thêm ra một người bà con nữa của McCoo. Chưa hết vì sự “lơ đãng” của dịch giả, nên nhiều câu văn thiếu đi sự nhất quán, làm cho bối cảnh bị rối rắm, khó hiểu.
 
 Ngay ở dòng đầu tiên, chương đầu tiên cũng đã có nhiều lỗi sai dù nó chỉ có vỏn vẹn 169 chữ tiếng Anh. Nhưng đây là chương được các nhà phê bình nghiên cứu văn học và ngôn ngữ đánh giá là rất xuất sắc, thậm chí là xuất sắc nhất cuốn sách. Đó cũng là chương ngắn nhất trong 36 chương của cuốn sách. Tuy nhiên, cách hiểu của dịch giả chưa tới, hoặc có thể do quá cẩu thả của khâu biên dịch khiến những nét tinh tế của ngôn ngữ nguyên bản đã mất đi
 
 Sách hay, dở nhờ tâm người biên dịch
 
 Dịch thuật ở Việt Nam hiện nay là công việc khó khăn, thu nhập thấp, chỉ khoảng 100-200 đồng/ chữ. Mức thù lao vậy thì quả thật không còn nhiều người có thể theo đuổi nghề này như một cách để kiếm sống lâu dài, nếu họ không vì một mục tiêu khác hoặc không có một hậu phương vững chắc từ gia đình để tự do theo đuổi đam mê. Cũng có nảy sinh một thực tế là nhiều dịch giả đã chỉ đứng tên (cho mượn danh xưng) còn lại thuê sinh viên dịch theo từng chương cho nhanh, rồi về lắp ghép lại. 
 
 Trong khi đó các em sinh viên chưa có nhiều vốn sống, phông văn hóa chưa đủ để thẩm thấu tác phẩm nên nhiều em sẽ chỉ dùng cách tra từ điển để hiểu nghĩa đen của từ. Nhưng ý nghĩa bóng hoặc những ngữ cảnh môi trường mà nhà văn đặt hàm ý vào thì không có từ điển nào trợ giúp được.
 
 Và vấn đề là khi ghép các phần dịch đó lại thì người đứng tên hoặc nhà xuất bản đã không đọc lại nghiêm túc, không có trách nhiệm trong việc biên tập để có được một “bản dịch đẹp” ít nhất về ngữ rồi nâng lên nghĩa. Thế nên mới có những thảm họa dịch thuật ra đời mà một số không ít mang tên dịch giả nổi tiếng hoặc nhà sách uy tín.
 
 Trong thời đại của máy tính và mạng Internet, của google và facebook ngày nay, thì khả năng đọc hiểu tiếng Anh nói riêng, và ngoại ngữ nói chung, không còn là độc quyền của một nhóm người nào nữa. Rất nhiều độc giả ngày nay am tường không chỉ tiếng Anh, mà còn cả văn hóa Mỹ, châu Âu, quê hương của các tác giả. 
 
 Vì thế các bản dịch dở, dịch sai, dịch loạn, sớm hay muộn cũng bị lôi ra ánh sáng, và điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các dịch giả Việt Nam, nếu họ kịp thay đổi tâm thế để phù hợp hơn với những bước tiến của xã hội./.
An Di (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục