Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững

Tái cơ cấu nông nghiệp hướng phát triển bền vững

Định hướng chiến lược về tái cơ cấu trong ngành nông nghiệp là phát triển bền vững cả ba khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Chiều hôm nay (6/6), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị về đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp đã đưa ra những giải pháp cơ bản trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành.

Theo đó, các giải pháp chính thực hiện tái cơ cấu ngành sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch đồng thời khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, Bộ cũng xác định nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đầu tư công; cải cách thể chế mà trọng tâm là đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường quốc doanh cũng như phát triển các hình thức kinh tế hợp tác.

Đánh giá thực tiễn, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, sau 25 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 70% dân cư và là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế đất nước và ổn định chính trị xã hội.

Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc: Giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã liên tục trong một thời gian dài, sản lượng hàng hóa ngày càng tăng và xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ cao…

Tuy nhiên, việc tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ mà chưa tính đến phát triển bền vững.

Mặt khác, gần đây sản xuất nông nghiệp đã và đang có dấu hiệu tác động tiêu cực đến môi trường như làm giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước.

“Trong tương lai, nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh nguồn lực cho tăng trưởng với các ngành công nghiệp và dịch vụ khác. Nông nghiệp sẽ phải nâng cao vị thế cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu, tổ chức và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất. Chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm trong giai đoạn tới,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Chính vì thế, mục tiêu của việc thực hiện tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững là nhằm cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo; bảo vệ môi trường sinh thái, phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới./.

Giá trị tuyệt đối GDP nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng nhưng tỷ trọng nông nghiệp (bao gồm cả nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản) trong tổng GDP cả nước giảm dần từ 24,5% năm 2000 xuống còn 21,6% năm 2012.

Trong giai đoạn 2000-2012, tỷ trọng thủy sản  tăng từ 16,2% lên khoảng 24%, tỷ trọng trồng trọt giảm từ 61,8% xuống 55%, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 15,25% lên 16% trong tổng gá trị sản xuất toàn ngành./.


Thanh Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục