Tại sao khó có một đại liên minh tại khu vực châu Á?

Theo trang mạng eastasiaforum.org, để một liên minh cân bằng thực sự nổi lên trong khu vực, Trung Quốc sẽ phải trở thành mối đe dọa lớn hơn và đáng kể hơn đối với mọi quốc gia Đông Nam Á.
Tại sao khó có một đại liên minh tại khu vực châu Á? ảnh 1Tàu hải cảnh Trung Quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, những phác thảo trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang trở nên rõ ràng hơn.

Bình luận công khai của các quan chức chính quyền cho thấy Mỹ đang tìm cách xây dựng nhiều hơn các liên minh cụ thể hoặc đặc biệt - như Nhóm Bộ tứ và AUKUS - để cân bằng quyền lực quân sự của Trung Quốc và củng cố “trật tự dựa trên quy tắc."

Trọng tâm cuộc đọ sức Mỹ-Trung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc giương cao ngọn cờ “trật tự dựa trên quy tắc” hoặc cảnh báo về sự chèn ép của Trung Quốc trên phương diện quân sự hay kinh tế không gây được tiếng vang với chế độ hậu thuộc địa Đông Nam Á như Washington nghĩ. Các nước khu vực không muốn tán thành một số tầm nhìn độc đoán về trật tự khu vực, cho dù đó là của Washington hay Bắc Kinh.

Một số quốc gia Đông Nam Á nhìn nhận thảo luận về “trật tự dựa trên quy tắc” là hình thức ngoại giao cần thiết để bảo vệ các nguyên tắc chung, song đa số đều cho rằng đây chỉ là những điều sáo rỗng nhằm chống lại Trung Quốc.

Cách hành xử của Trung Quốc bất lợi cho khu vực. Song Mỹ cũng có trách nhiệm về những xáo trộn trong trật tự khu vực. 

Xét cho cùng, "trật tự dựa trên quy tắc" là những gì chưa được xác định rõ ràng và kém hấp dẫn. Trong bối cảnh những xáo trộn kinh tế như hiện nay, sẽ có bao nhiêu nhà hoạch định chính sách khu vực đưa ra các quyết định dựa trên một “trật tự dựa trên quy tắc” trừu tượng và đầy rạn nứt thay vì dựa trên các lợi ích cụ thể như phục hồi kinh tế và “phúc lợi tập thể”?

Washington cũng không nên cho rằng các quốc gia trong khu vực sẽ liên kết lại để ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc và tạo ra sự cân bằng quyền lực theo kiểu châu Âu. Tại châu Á, thứ bậc, thay vì cân bằng quyền lực, mới vốn là cấu trúc của trật tự khu vực.

Không nhiều nhà lãnh đạo Đông Nam Á coi Trung Quốc là mối đe dọa chính yếu - về mặt quân sự và cả nhiều khía cạnh khác. Không có đồng thuận khu vực về cái gọi là "thách thức Trung Quốc," cũng như không có bất kỳ cường quốc nào được xem là vượt trội hơn về mặt ý thức hệ hoặc đạo đức.

Dàn xếp quyền lực kiểu châu Âu sẽ chỉ có thể có khi khu vực này phân cực và Trung Quốc bị loại khỏi tất cả các đấu trường chính sách khu vực. Tất nhiên, phí tổn đi kèm sẽ là rất lớn.

Để một liên minh cân bằng thực sự nổi lên trong khu vực, Trung Quốc sẽ phải trở thành mối đe dọa lớn hơn và đáng kể hơn đối với mọi quốc gia Đông Nam Á. Điều khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa có thể là khi quốc gia này thấy rằng “lợi ích cốt lõi” như Đài Loan đang bị đe dọa hoặc nếu cảm thấy bị gạt ra ngoài lề khu vực.

Dù thế nào đi nữa, cái giá phải trả cho việc “chọc giận Trung Quốc” chỉ để xây dựng một liên minh cân bằng sẽ là quá đắt đối với tất cả các bên.

Tất nhiên, các quốc gia khu vực nhiều khả năng sẽ ủng hộ một trật tự mà họ cho là hợp pháp. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy tất cả các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từng có nhận thức thống nhất về tính hợp pháp khu vực.

Cũng không có bất kỳ nhân tố nào có được sự nổi trội này, chứ đừng nói đến việc ủng hộ trật tự theo Mỹ hay Trung Quốc. Việc thiếu vắng một “hệ điều hành” được thừa nhận rộng rãi là một đặc tính, chứ không phải là lỗi, của trật tự khu vực.

[Kỳ vọng gì từ quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc trong tương lai?]

Các quốc gia trong khu vực đã quen với việc vận hành mà không có một trật tự hợp pháp quy mô và làm việc thông qua các nguyên tắc tổ chức khác nhau cho các mục đích chính sách khác nhau. Lịch sử chiến lược cho thấy khu vực thực thi có chọn lọc và triển khai không đồng đều các quy tắc quốc tế.

Các quốc gia trong khu vực sẽ tiếp tục dàn xếp theo hệ thống phân cấp khu vực hơn là để mình bị đẩy vào một liên minh kiểu châu Âu nào đó. Họ sẽ không chấp nhận hoàn toàn quyền bá chủ của Trung Quốc, mặc dù một số quốc gia dường như đang cư xử như thể họ là các nước chư hầu của cường quốc này.

Thay vào đó, khu vực sẽ tiếp tục duy trì sự cân bằng với cả hai bên và mạo hiểm đặt cược. Họ sẽ chọn các phương án để đảm bảo tính hợp pháp trong nước và quyền tự chủ chiến lược.

Điều này đặt ra câu hỏi khó hơn, nếu không phải là Mỹ hay Trung Quốc, thì là ai? Các cường quốc tầm trung như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Indonesia và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khó có thể đưa ra một giải pháp thay thế cụ thể phù hợp với tất cả các cường quốc.

Trật tự khu vực trước hết phụ thuộc vào cách giới cầm quyền khu vực xác định và bảo vệ tính hợp pháp trong nước. Tính hợp pháp này phụ thuộc đáng kể vào các lợi ích tư nhân và hàng hóa mà Trung Quốc cung cấp. Một trật tự khu vực loại trừ cường quốc này so với cường quốc kia có thể có ý nghĩa về mặt địa chiến lược, nhưng là không thể về mặt chính trị.

Đã đến lúc cần đầu tư hơn cho việc tìm kiếm những động lực mang tính địa phương để thúc đẩy trật tự khu vực. Thay vì đổi mới guồng quay sáng kiến chính sách, Mỹ có thể phối hợp và hỗ trợ các cường quốc khu vực như Nhật Bản và các tổ chức đa phương trong ASEAN. Hợp tác với các nhân tố này có thể giúp Mỹ xóa nhòa tư tưởng của Trung Quốc vốn luôn cho rằng phương Tây vẫn mắc kẹt với tư duy thuộc địa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục