Cài đặt lại mối quan hệ Australia-Trung Quốc: Điều khả thi

Trung Quốc có khả năng quản lý mối quan hệ của họ với Australia, và Canberra cũng có khả năng quản lý mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ. Việc cài đặt lại quan Australia-Trung Quốc là điều khả thi.
Cài đặt lại mối quan hệ Australia-Trung Quốc: Điều khả thi ảnh 1Việc cài đặt lại quan Trung Quốc-Australia là điều khả thi trong tương lai. (Nguồn: globaltimes.cn)

Ở một khía cạnh nào đó, thỏa thuận an ninh mới giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) không có gì đáng ngạc nhiên bởi ba quốc gia này luôn tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ những giá trị chung và có các thể chế tương đồng. Dư luận cho rằng họ sẽ tiếp tục hợp tác trong các vấn đề an ninh - điều họ đã làm trong một thế kỷ qua.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là điều khá bất ngờ, làm dấy lên sự hoài nghi về lý lẽ mà Australia đưa ra, đó là "để bảo vệ an ninh quốc gia."

Nhiều ý kiến cũng cho rằng động thái này của Australia sẽ gây bất ổn cho khu vực. Để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới, tất cả chúng ta cần ngồi lại để cùng tìm cách xoa dịu căng thẳng và xây dựng lòng tin trong khu vực.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi AUKUS lấy tư duy truyền thống về sự cân bằng quyền lực làm nền tảng. Kể từ sau khi đánh bại Nhật Bản năm 1945, Mỹ tin rằng họ cần duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Thái Bình Dương. Nhiều nước trong khu vực sẽ tiếp tục nhờ cậy vai trò của Mỹ để cân bằng quan hệ với các nước lớn khác.

Australia có mối quan hệ chiến lược truyền thống với Mỹ và tin rằng nếu Canberra bị đe dọa, Washington sẽ bảo vệ họ. Bất kỳ phản ứng thái quá nào của Trung Quốc đối với liên minh các đối tác truyền thống này sẽ chỉ càng củng cố những luận điệu hiện nay của họ về “mối đe dọa" mang tên Trung Quốc.

Ở Australia và Mỹ, những năm gần đây các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy có xu hướng thổi phồng "mối đe dọa" mang tên Trung Quốc để kích động những kẻ thù của Trung Quốc ở cả bên trong lẫn bên ngoài nước.

Phản ứng thái quá của Trung Quốc đối với những hành động mà Bắc Kinh cho là khiêu khích của Australia, đôi khi là các biện pháp đối nội “vụng về,” chỉ càng làm gia tăng thái độ ngờ vực.

Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt thương mại liên tiếp của Trung Quốc không hề hiệu quả như các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ đối với các quốc gia mà Washington muốn gây sức ép. Nếu những hành động như vậy đẩy Australia dấn sâu hơn vào “vòng tay” của Mỹ, chắc chắn đã đến lúc phải xem lại cách tiếp cận này.

Trung Quốc có khả năng quản lý mối quan hệ của họ với Australia, và Canberra cũng có khả năng quản lý mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ. Việc cài đặt lại quan Trung Quốc-Australia là điều khả thi trong tương lai.

[Liên minh quốc phòng Mỹ-Anh-Australia và một thế giới đã thay đổi]

Dù có vị trí địa lý thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên dồi dào, song Australia chưa bao giờ phát triển một "đại chiến lược" cho an ninh quốc gia và vai trò của mình trong khu vực. Thay vào đó, nước này lựa chọn phụ thuộc vào các nhà bảo hộ truyền thống, đặc biệt là khi họ cảm thấy bị đe dọa.

Đúng như quan sát của Donald Horne trong hơn một nửa thế kỷ, Australia là một “quốc gia may mắn.” Năng lực của các nhà lãnh đạo Australia được đánh giá là "tầm thường."

Australia không có khả năng tìm ra câu trả lời cho những vấn đề lớn liên quan đến vai trò của quốc gia này tại châu Á, hoặc trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển các ngành công nghiệp trong tương lai, và thậm chí là thành công lâu nay của họ trong việc duy trì sự hài hòa trong xã hội đa văn hóa cũng đang chịu sức ép do sự ngờ vực mà những nhân vật dân túy truyền bá.

Tuy nhiên, Australia không phải lúc nào cũng như vậy và nước này hoàn toàn có thể thay đổi thêm một lần nữa. Nếu có được sự lãnh đạo toàn diện và mạnh mẽ, Australia có thể trở thành hình mẫu về cải cách kinh tế-xã hội và có vai trò lớn trong khu vực.

Australia có tầm nhìn xa trong hợp tác với các nước láng giềng tại châu Á khi đề xướng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), góp phần kiến tạo hòa bình ở Campuchia và Timor Leste, chào đón các sinh viên từ khắp nơi trong khu vực đến các trường đại học đẳng cấp thế giới của Australia.

Những điều này cho thấy không phải lúc nào Australia cũng tách rời khu vực, nơi mà nước này đang thể hiện vai trò lãnh đạo như hiện nay.

Quyết định đầu tư vào các tàu ngầm hạt nhân tầm xa trong khi không có ngành công nghiệp hạt nhân trong nước khiến Australia sẽ phải phụ thuộc vào Mỹ và Anh - những quốc gia xa xôi ngoài khu vực - trong nhiều thập kỷ tới. Quyết định bất ngờ này được đưa ra mà không có lộ trình phát triển chiến lược hay lời giải thích phù hợp nào.

Về vấn đề này, chính phủ của Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng giống như các chính phủ bảo thủ trong quá khứ khi “nhiệt tình” đi theo “các cuộc phiêu lưu” của Mỹ tại Việt Nam và Iraq. Tuy nhiên, không chắc Australia sẽ thúc đẩy một công nghệ mà nước này không có khả năng làm chủ. Tuyên bố về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân có thể mang ý nghĩa địa chính trị nhiều hơn.

Các chính phủ tương lai sẽ cân nhắc những điều chỉnh chiến lược diện rộng, đòi hỏi sự chú ý đến vấn đề an ninh của Australia.

Cài đặt lại mối quan hệ Australia-Trung Quốc: Điều khả thi ảnh 2Nhiều ý kiến cho rằng việc Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ gây bất ổn cho khu vực. (Nguồn: bbc.com)

Đầu tiên, Australia được khuyên nên tập trung vào Tây Nam Thái Bình Dương, nơi các mối quan hệ của Canberra bị suy yếu do cách tiếp cận cứng nhắc và bị chính trị hóa đối với vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời tập trung vào việc duy trì hòa bình ở Đông Nam Á, nơi Australia có thể có các đối tác tự nhiên nếu ngừng các hành động “bắt nạt” các nước láng giềng. Phản ứng của Indonesia và Malaysia đối với AUKUS cho thấy Australia cần thực hiện một số động thái mang tính “hòa giải.”

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi một trật tự thế giới mới đang hình thành. Châu Á là trung tâm mới của nền kinh tế thế giới và quyền lực sẽ được phân bố đồng đều hơn trong hệ thống toàn cầu. Xu hướng chuyển dịch sang thế giới đa cực này có thể làm đảo lộn những tính toán của Mỹ và Anh.

Tuy nhiên, Australia có cần quá lo ngại về thế kỷ của châu Á đến như vậy hay không? Thực tế, nhiều thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo của hai phe phái chính trị ở Australia đều nhận thấy rõ rằng kỷ nguyên châu Á mở ra cơ hội và mang lại sự giàu có cho quốc gia này.

Australia và Trung Quốc có lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực. Cả hai đều được hưởng lợi từ quan hệ thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân. Ngay cả khi vai trò lãnh đạo của Australia tiếp tục là tâm điểm trong tầm nhìn của Mỹ-Anh về thế giới, Trung Quốc vẫn có thể chấp nhận một thực tế như vậy.

Trung Quốc lâu nay vẫn duy trì quan điểm không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và trật tự thế giới đa cực. Ngay cả khi Austalia trở nên tự tin và tự chủ hơn, vẫn luôn có những quan điểm khác nhau về các vấn đề an ninh.

Đó chính là lý do mà hai bên cần phải cùng nhau nỗ lực phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin và mở rộng các lĩnh vực hợp tác để duy trì hòa bình, nếu muốn tận hưởng một tương lai thịnh vượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục