Tầm nhìn táo bạo của Thủ tướng Modi về vai trò toàn cầu của Ấn Độ

Chỉ một tuần sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhậm chức nhiệm kỳ hai, ông đã phát tín hiệu về tầm nhìn chính sách đối ngoại của mình cho những năm tiếp theo.
Tầm nhìn táo bạo của Thủ tướng Modi về vai trò toàn cầu của Ấn Độ ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ tái đắc cử Narendra Modi làm lễ tại đài tưởng niệm Anh hùng giải phóng dân tộc Mahatma Gandhi trước lễ tuyên thệ nhậm chức ở New Delhi ngày 30/5/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mạng Foreign Policy mới đây đăng bài viết của ông Harsh V. Pant, phụ trách chương trình nghiên cứu chiến lược thuộc Quỹ nghiên cứu nhà quan sát (ORF) ở New Delhi, nhận định một tuần sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhậm chức nhiệm kỳ hai, ông đã phát tín hiệu về tầm nhìn chính sách đối ngoại của mình cho những năm tiếp theo.

Ngày 30/5, Thủ tướng Modi bổ nhiệm ông Subrahmanyam Jaishankar vào Nội các mới (Nội các 2.0), nắm giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao. Thông thường, chức vụ này thuộc về một thành viên cấp cao trong đảng hoặc một đồng minh chính trị.

Tuy nhiên, Jaishankar, cựu Bí thư Đối ngoại, là một nhà kỹ trị, một trong những nhà ngoại giao nổi bật nhất của Ấn Độ trong nhiều năm qua. Ông từng là Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ và Trung Quốc, một người chơi chủ chốt giúp ký kết thành công thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn dưới thời người tiền nhiệm của ông Modi là Thủ tướng Manmohan Singh.

Jaishankar thậm chí còn không phải là thành viên của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền. Việc bổ nhiệm nhân vật này nêu bật tính cách có hơi hướng táo bạo của Thủ tướng Modi, đặc biệt trong những tình huống ẩn chứa rủi ro cao.

Trong nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Modi, ông Jaishankar đã thúc đẩy việc chuyển đổi tầm nhìn chính sách đối ngoại của Modi thành một chính sách hành động nhiều hơn.

Thủ tướng Modi tin rằng trong một thời gian quá dài, Ấn Độ đã cư xử như một lực lượng cân bằng trong trật tự thế giới chứ không phải một cường quốc chủ động định hình các tiêu chuẩn và luật lệ toàn cầu.

[Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2]

Ông Jaishankar chính là người đã nỗ lực hình thành các ưu tiên chính sách đối ngoại của Ấn Độ theo nhận thức đó. Là một bí thư đối ngoại, ông không chỉ góp phần điều chỉnh quan hệ Mỹ-Ấn mà còn giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Doklam 2017 giữa Ấn Độ với Trung Quốc, trong đó các lực lượng quân đội hai quốc gia láng giềng đối đầu nhau tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ, Buhtan và Trung Quốc trong hơn 2 tháng.

Bằng việc đưa ông Jaishankar lên làm Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng Modi đã làm rõ một điều, trong những năm tới, Ấn Độ sẽ ưu tiên chính sách đối ngoại.

Trên vũ đài quốc tế, động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm rung chuyển trật tự thế giới.

Cùng lúc, quan hệ Mỹ-Ấn dường như cũng đang ở vào thời kỳ khó khăn do những bất đồng gia tăng về các vấn đề liên quan thương mại.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) đối với lượng hàng xuất khẩu trị giá 5,6 tỷ USD của Ấn Độ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Mặc dù New Delhi khẳng định sẽ tiếp tục phát huy mối quan hệ vững mạnh với Mỹ, cả về kinh tế và giao lưu nhân dân, nhưng rõ ràng con đường phía trước không hề bằng phẳng. Khi ông Trump bước vào trạng thái bầu cử, ông ta sẽ tiếp tục tập trung vào các vấn đề thương mại toàn cầu.

Với sự hiểu biết về tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ và kinh nghiệm thực tế của bản thân, ông Jaishankar dường như đã được đặt đúng chỗ cho việc xử lý căng thẳng gia tăng với Washington.

Việc ông Jaishankar có chân trong Nội các cũng là tín hiệu cho thấy Thủ tướng Modi muốn thay đổi tầm nhìn của Ấn Độ đối với khu vực.

Tuần trước, ông Modi đã mời lãnh đạo các nước thành viên thuộc Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC) tham dự lễ nhậm chức của chính phủ mới ở Ấn Độ. BIMSTEC bao gồm các nước Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Nepal và Buhtan, và đã trở nên nổi bật trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong ít năm qua.

Được thành lập cách đây hơn 20 năm, hiện khối này chiếm khoảng 21% dân số thế giới và tổng GDP đạt 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, ít người biết đến BIMSTEC trước khi Modi đưa khối này thành trung tâm trong cách tiếp cận khu vực của mình.

Thực sự, BIMSTEC cơ bản đã thay thế Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Các đại diện của những nước này là khách danh dự trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ đầu của Modi. Sự thay đổi đó dường như cho thấy Thủ tướng Modi có thể đã từ bỏ nỗ lực can dự với Pakistan.

Khi Thủ tướng Pakistan Imran Khan gọi điện chúc mừng Modi sau chiến thắng vang dội của BJP trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua, cách phản ứng của Modi ngụ ý New Delhi sẽ đáp lại những đề xuất của phía Pakistan nếu nhận thấy sự thay đổi thực chất trong chính sách về chủ nghĩa khủng bố của Islamabad.

Triển khai chính sách đối ngoại khu vực của Ấn Độ thông qua BIMSTEC cho thấy rõ mong muốn của Modi tập trung vào mặt trận phía Đông của nước này.

Vịnh Bengal kết nối Ấn Độ với các nước láng giềng phía Đông, không chỉ với các đối tác Nam Á truyền thống như Bangladesh, Bhutan, Nepal, và Sri Lanka mà với cả khu vực Đông Nam Á thông qua Myanmar và Thái Lan. Bằng cách đó, Modi đã cố gắng tái xác định vùng ngoại vi chiến lược của Ấn Độ.

Hồi năm 2014, tại một hội nghị thượng đỉnh của SAARC ở Kathmandu, ông Modi gợi ý các cơ hội hợp tác khu vực sẽ được thực hiện thông qua SAARC hoặc bên ngoài.

Khi không thể tạo ra bất cứ sự thay đổi thực chất nào trong chính sách của Pakistan sau lần tiếp cận đầu tiên với Islamabad, chính phủ Modi bắt đầu đề cao tầm quan trọng của BIMSTEC. Điều này đã phần nào mang lại kết quả. Một số quốc gia BIMSTEC đã ủng hộ lời kêu gọi của New Delhi tẩy chay hội nghị thượng đỉnh SAARC tại Islamabad hồi tháng 11/2016 sau khi Ấn Độ quy kết Pakistan về các vụ tấn công khủng bố ở Kashmir hồi tháng 9 cùng năm đó.

Khi Ấn Độ tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, BIMSTEC - nếu can dự một cách sáng tạo - có thể là một diễn đàn quan trọng để Ấn Độ nâng cao hình ảnh của mình ở khu vực Đông và Đông Nam Á. Cho dù Ấn Độ dường như đang can dự với Trung Quốc giữa những biến động về địa chính trị, ông Modi muốn mở rộng hình ảnh của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn và thiết lập một sự cân bằng quyền lực ổn định trong khu vực này. Điều đó sẽ đóng vai trò quan trọng nếu Ấn Độ muốn được công nhận là cường quốc lớn tự quyết chứ không chỉ là một lực lượng tạo cân bằng.

Vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ hai, ông Modi đã thể hiện sự nghiêm túc đối với chính sách đối ngoại đã được nêu trong nhiệm kỳ đầu. Và bằng việc tin dùng Jaishankar, Thủ tướng Modi có thể sẽ triển khai thành công tầm nhìn của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục