Tầm vóc doanh nhân Việt: Khẳng định vị thế, cạnh tranh sòng phẳng

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển cả về số lượng và chất lượng đồng thời đóng góp to lớn, quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và tuyên dương doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và tuyên dương doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp liên tục lớn mạnh cả về lượng và chất, đóng góp ngày càng lớn vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trên đà đó, Việt Nam đã ghi danh trong TOP 40 thế giới về GDP và TOP 20 về quy mô thương mại quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm - Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương (13/10/1945-13/10/2022), và 18 năm - Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2022), Báo điện tử Vietnamplus đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Xây dựng một thế hệ doanh nhân Việt xứng tâm và có tầm

- Thưa ông, trước yêu cầu và khát vọng phát triển của dân tộc, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển như thế nào?

Ông Phạm Tấn Công: Trong chặng đường phát triển vừa qua, những thành tựu thực tế đã minh chứng về một thế hệ doanh nhân Việt Nam có tâm và tầm.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng đồng thời đóng góp to lớn, quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc trên nhiều phương diện.

[Đạo đức kinh doanh: Giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp phát triển]

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Theo đó, đội ngũ doanh nhân đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.

Kết quả sau 35 năm đổi mới, từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, giờ đây nền kinh tế Việt Nam đứng trong TOP 40 toàn cầu về GDP và TOP 20 về quy mô thương mại quốc tế.

Tầm vóc doanh nhân Việt: Khẳng định vị thế, cạnh tranh sòng phẳng ảnh 1Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Nhiều doanh nhân Việt Nam đã vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có những doanh nhân lọt vào danh sách "tỷ phú USD" và có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường quốc tế.

Trong nước, nhiều doanh nhân làm chủ và lãnh đạo những tập đoàn lớn dẫn đầu các lĩnh vực kinh tế trụ cột của quốc gia. Đáng chú ý, tư duy chiến lược phát triển của doanh nhân Việt Nam không còn là những mục tiêu ngắn hạn, nhiều người đã hướng tới các mục tiêu dài hạn với tầm nhìn xa, trên cơ sở phát triển doanh nghiệp bài bản, chú trọng kinh tế xanh theo hướng bền vững, đề cao đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh. Đây là sự phát triển vượt bậc của doanh nhân Việt Nam được cả xã hội ghi nhận.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”

Sau những thành tựu bước đầu, đất nước đang đứng trước những cơ hội, mục tiêu và khát vọng phát triển to lớn, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Như vậy, chỉ còn hơn 20 năm nữa để đạt được mong ước của Bác Hồ là Việt Nam “sánh vai các  cường quốc 5 châu” và gia nhập, sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, Việt Nam cần có cả 2 điều - kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng (trong đó có văn minh, văn hóa kinh doanh). Giới doanh nhân có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của 2 nhiệm vụ này. VCCI nhận thấy đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội lịch sử cho sự phát triển của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới.

Gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu

- Thưa ông, bên cạnh những kết quả đạt được, đâu là những khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nhân phát triển sản xuất-kinh doanh?

Ông Phạm Tấn Công: Có thể khẳng định rằng trong suốt gần 3 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã phải chịu những tổn thất nặng nề do tác động của đại dịch COVID-19. Nhiều đơn vị đi đến bờ vực dừng hoạt động kinh doanh và thậm chí là phá sản. Tuy nhiên, Nghị quyết 128 của Chính phủ thay đổi chiến lược từ "Zero COVID" sang thích ứng linh hoạt và chung sống với dịch bệnh đã "giải vây" cho giới doanh nghiệp, giúp họ từng bước hồi phục và vực dậy sản xuất, kinh doanh.

Tầm vóc doanh nhân Việt: Khẳng định vị thế, cạnh tranh sòng phẳng ảnh 2Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Có thể thấy rằng những chủ trương lớn của Nghị quyết 128 sau đi vào đời sống đã có hiệu quả ngay tức thời, không chỉ "cứu nguy" cho doanh nghiệp mà còn "giải thoát" nền kinh tế khỏi bị kìm hãm do đại dịch. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đã giữ gìn được những nguồn lực quý báu và đảm bảo được chuỗi sản xuất không bị thiệt hại quá lớn, có khả năng phục hồi nhanh.

Kết quả là nền kinh tế phục hồi một cách ngoạn mục với tăng trưởng GDP quý 3 năm 2022 vượt mọi dự báo trước đó, ước tăng tới 13,67% so với cùng kỳ năm 2021, kéo theo tăng trưởng GDP 9 tháng lên 8,83%. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2011-2022.

Kết quả này vừa là thành tựu chung về đường lối, chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đồng thời cũng là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Về triển vọng kinh doannh trong giai đoạn tới, kinh tế trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những quyết định liên quan đến các dự án kinh tế hiện nay còn rất chậm. Điều nảy sinh nguy cơ tiềm tàng, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế trong tương lai. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát, tăng lãi suất cũng đe dọa sự phát triển của các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang vay vốn nước ngoài, khi lãi suất ngoại tệ tăng sẽ là nguy cơ kép (một là lạm phát và hai là lãi suất tăng).

Đó là những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và cần sự quan tâm của Chính phủ.

Về mặt dài hạn, với mục tiêu đến năm 2025-2030 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, đến 2045 trở thành quốc gia phát triển kinh tế cao, cộng đồng doanh nghiệp trong nước còn phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy sự lớn mạnh của họ, như tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn kinh doanh, hỗ trợ về lãi suất vay, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.

Trong số đó, các gói hỗ trợ về nguồn nhân lực sau COVID-19 là một vấn đề rất lớn với các doanh nghiệp. Bởi, các đơn vị đều cần tuyển dụng lại nguồn nhân lực đã bị "khuếch tán" trong cuộc chiến chống dịch bệnh và xây dựng nguồn nhân lực bổ sung cho các đơn hàng mới khi Việt Nam chiếm được vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tầm vóc doanh nhân Việt: Khẳng định vị thế, cạnh tranh sòng phẳng ảnh 3GDP 9 tháng đạt 8,83% và là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2011-2022. (Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

Do vậy, việc điều hành chính sách cũng cần tầm nhìn xa hơn, vì những vị trí mới đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao hơn và từ đó gia tăng vị thế trong chuỗi giá trị. Đây cũng là câu chuyện cần quan tâm ngay tại thời điểm này.

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất xanh, bền vững thường tập trung vào thị trường xuất khẩu. Nhưng sau biến cố COVID-19, họ đang từng bước thâm nhập vào thị trường nội địa và VCCI có giải pháp, đề xuất gì để kết nối cũng như hỗ trợ họ, thưa ông?

Ông Phạm Tấn Công: Kinh tế xanh, phát triển bền vững là xu thế chung của loài người và tiến bộ của nhân loại. Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng không đứng ngoài dòng chảy.

Song, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe hơn, giá của sản phẩm sẽ cao hơn. Với thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp cố chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp song đây không phải giải pháp kinh tế lâu dài. Bởi, doanh nghiệp không có sức cạnh tranh, họ sẽ không thể sống được.

Vì vậy, thể chế phải có quy định rất rõ về việc khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm của kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Bên cạnh đó là vấn đề văn hóa tiêu dùng, dưới góc độ của một cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam phát triển kinh tế xanh, VCCI kiến nghị trong các văn bản pháp lý cần quy định chính sách của các bộ, ngành và Chính phủ về đẩy mạnh cũng như nâng cao nhiệm vụ phát triển bền vững.

Về doanh nghiệp và người dân, VCCI khuyến khích động viên thông qua việc tổ chức hội đồng phát triển bền vững, thực hiện liên kết các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau cũng như đề xuất giảm thuế, vinh danh, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp này.

- Trân trọng cảm ơn ông và chúc cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục