Tân Chủ tịch G-8 nhắm đến các nền kinh tế mới nổi

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi tuyên bố trong thời gian một năm đảm nhận trọng trách to lớn này, Italia dự kiến sẽ thúc đẩy sự liên kết của G-8 với G-5 (nhóm các nước có nền kinh tế đang nổi gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Nam Phi) và một số nước không thuộc G-8 như Australia, Indonesia và một số nước lớn ở châu Phi.

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi tuyên bố trong thời gian một năm đảm nhận trọng trách to lớn này, Italia dự kiến sẽ thúc đẩy sự liên kết của G-8 với G-5 (nhóm các nước có nền kinh tế đang nổi gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Nam Phi) và một số nước không thuộc G-8 như Australia, Indonesia và một số nước lớn ở châu Phi.
 
Ông Berlusconi phát biểu như trên tại buổi lễ ra mắt biểu tượng của Italia trong nhiệm kỳ làm chủ tịch G-8. Ngày 1/1, Italia chính thức đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) từ Nhật Bản.
 
Ngoại trưởng Italia Franco Frattini khẳng định cương vị Chủ tịch G-8 của Italia là cơ hội chứng tỏ về "sự điều hành mới đối với thế giới" và tạo ra mối quan hệ sâu chuỗi hơn giữa G-8 và các nền kinh tế đang nổi.
 
Theo ông Frattini, chủ nghĩa khủng bố, giải giáp hạt nhân và các cuộc xung đột đang xảy ra ở Afghanistan, Pakistan và châu Phi sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự chính trị của G-8. Ngoài ra, kinh tế, phát triển các nguồn nhiên liệu tái sinh, tác động của sự biến đổi khí hậu đối với kinh tế và an ninh lương thực cũng là những vấn đề ưu tiên.
 
Được thành lập năm 1975, nhóm G-8 ban đầu chỉ có 6 thành viên, hoạt động như diễn đàn của các nước công nghiệp hóa. Hiện 8 thành viên của nhóm là Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga, Anh và Mỹ.
 
Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-8 năm nay sẽ diễn ra vào tháng 7 tại đảo La Maddalena, ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Sardinia./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục