Tận dụng hợp tác Nam-Nam để tăng sức mạnh kinh tế

Tổng Thư ký Hội nghị UNCTAD đã kêu gọi các nước đang phát triển tận dụng hợp tác Nam-Nam để tăng cường sức mạnh kinh tế.
Ngày 23/2, tại Hội nghị các chuyên gia hợp tác quốc tế với chủ đề "hợp tác Nam-Nam và hòa nhập khu vực" khai mạc ngày 23/2 tại Geneva, Thụy Sỹ, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Supachai Panitchpakdi, đã kêu gọi các nước đang phát triển tận dụng hợp tác Nam-Nam để tăng cường sức mạnh kinh tế.

Các chuyên gia UNCTAD nhấn mạnh mặc dù các nền kinh tế đang phát triển đã tăng trưởng với tốc độ nhanh đầy ấn tượng so với các nền kinh tế phát triển trong vài thập kỷ gần đây, nhưng họ vẫn đứng trước nhiều thách thức để đảm bảo tăng trưởng bền vững về năng suất, việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách trong thế giới đang phát triển nhất trí cho rằng, tăng trưởng kinh tế của các nước phương Nam cần được hỗ trợ bởi một chương trình nghị sự chính sách tích cực hơn, để tăng cường sức mạnh kinh tế và thúc đẩy bình đẳng trong phân phối thành quả phát triển.

Thách thức đối với hợp tác Nam-Nam là phát triển được các chính sách thích hợp để đảm bảo các mục tiêu này trong khi vẫn duy trì được những thành quả cạnh tranh trong những năm qua. Các nước phương Nam cần tư duy lại chiến lược phát triển để vượt qua thách thức này.

UNCTAD đang tích cực xem xét lại các kinh nghiệm của hợp tác và hội nhập Nam-Nam cũng như các chính sách thích hợp nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội bền vững, các xu hướng hiện nay của hợp tác Nam-Nam và tác động của nó đến việc tăng cường sức mạnh kinh tế của các nước đang phát triển.

Ở Đông Á, tăng trưởng nhanh trong nhiều thập kỷ qua phụ thuộc vào các liên kết khu vực mạnh. Tuy nhiên, mới đây, sự nổi lên của các cực tăng trưởng mới trong thế giới phương Nam đã làm nổi bật vai trò của hội nhập và hợp tác giữa các nước đang phát triển. Sự hợp tác này có thể thúc đẩy mô hình phát triển bình đẳng và bao quát hơn, giúp đưa các nước chậm phát triển nhất vào con đường phát triển mới.

Thách thức thực sự đối với các nền kinh tế đang phát triển là sử dụng hiệu quả thương mại, đầu tư và dòng công nghệ được chuyển giao để tăng năng suất, việc làm có chất lượng và tăng thu nhập cho người lao động mà không gây mất cân bằng cán cân thanh toán với bên ngoài, và làm biến dạng nền kinh tế vốn là những nguy cơ có thể đảo ngược mọi thành quả phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục