Tân Thủ tướng Italy: “Cấp bách” phải thực hiện cải cách

Tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi nhấn mạnh rằng "sự cấp bách" phải thực hiện cải cách ở "một đất nước đang ngập đầy mối lo âu" này.

Tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi nhấn mạnh trước Quốc hội về những cải cách cấp thiết để phục hồi nền kinh tế vừa trải qua cuộc suy thoái nghiêm trọng và hiện vẫn đang phải gánh khối nợ khổng lồ.

Khi trình bày chương trình hành động của chính phủ mới, Thủ tướng Renzi đã kêu gọi tiến hành "một sự thay đổi nhanh chóng và triệt để" ở đất nước đang lao đao bởi tình trạng suy thoái này.

Trong bài phát biểu sôi nổi, đầy nhiệt huyết song còn thiếu chi tiết cụ thể trước Quốc hội ngày 25/2, vị Thủ tướng 39 tuổi này đã nói rằng không có lời biện hộ nào cho thất bại trong việc xử lý những vấn đề yếu kém trong nước.

Tân Thủ tướng đã nhấn mạnh "sự cấp bách" phải thực hiện cải cách ở "một đất nước đang ngập đầy mối lo âu" này. Vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất Italy cho tới nay, người lên nắm quyền sau khi người tiền nhiệm Enrico Letta phải ra đi do thất bại trong việc thúc đẩy nền kinh tế kiệt quệ, đã nhắc lại những kế hoạch nhanh chóng rà soát hệ thống thuế, thị trường việc làm và khu vực hành chính công.

Ông cam kết sẽ xem xét lại các khoản trợ cấp thất nghiệp, lập quỹ hỗ trợ cho các công ty nhỏ và cải cách toàn diện hệ thống tư pháp; cam kết sẽ cắt giảm gánh nặng thuế khóa nhằm giải quyết vấn đề thất nghiệp, từ đó khôi phục nền kinh tế và chi trả các khoản nợ công. Ông Renzi cũng cho biết nạn thất nghiệp ở Italy đã ở mức đáng báo động và cần được giải quyết bằng việc cách mạng hóa nền kinh tế đất nước và các hệ thống về luật pháp.

Theo ông Renzi, những cải cách này sẽ được thực hiện bằng nguồn tiền có được từ việc tiết kiệm chi tiêu và các biện pháp khác sẽ được xem xét như tăng thuế thu nhập tài chính.

Báo chí Italy nhận định phục hồi nền kinh tế là một trong những thách thức lớn nhất mà chính phủ của Thủ tướng Renzi phải đối mặt, nhất là việc làm sao để đưa Italy ra khỏi cuộc suy thoái dài.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Renzi thừa nhận rằng Italy đang ở trong “vũng lầy” kinh tế, do sự yếu kém và các khoản nợ khổng lồ. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng chính phủ mới sẽ tìm cách để đưa đất nước ra khỏi cuộc suy thoái nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Các thách thức hiện nay đối với ông Renzi bao gồm sự tăng trưởng kinh tế trì trệ, niềm tin người tiêu dùng thấp, nợ quốc gia lớn, bộ máy hành chính cồng kềnh và hệ thống chính trị bất ổn, tỷ lệ thất nghiệp cao; đồng thời không để Italy phá sản vì nợ công.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (Istat), kinh tế nước này trong quý 4/2013 đã tăng 0,1% so với quý trước đó, lần tăng đầu tiên sau chín tháng tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng. Suy thoái đã khiến kinh tế Italy giảm 9 điểm phần trăm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 12,6%.

Hiện nợ công của Italy ở mức trên 2.000 tỷ euro, tương đương 130% GDP, mức cao thứ hai ở Khu vực sử dụng đồng euro, chỉ sau Hy Lạp. Sức hấp dẫn của Italy, đất nước có tiếng về sự sáng tạo và đổi mới, đối với các nhà đầu tư quốc cũng giảm sút./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục