Tăng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực

Theo Sở Nông nghiệp Kiên Giang, thực hiện tái cơ cấu ngành, tỉnh xác định 16 danh mục sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực để tập trung đầu tư phát triển, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thu hoạch lúa Hè Thu 2020 ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang thuộc vùng dự án VnSAT. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Thu hoạch lúa Hè Thu 2020 ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang thuộc vùng dự án VnSAT. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh xác định 16 danh mục sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực; trong đó, chú trọng các sản phẩm có lợi thế là lúa gạo, các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm… để tập trung đầu tư phát triển, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết: “Tỉnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên 4 tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng và vùng biển đảo, bố trí các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với hệ sinh thái từng tiểu vùng, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tỉnh xây dựng vùng thâm canh, chuyên canh quy mô lớn của một số cây, con chủ lực, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường; sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng; mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.”

Theo đó, giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã thực hiện 163 cánh đồng lớn và hợp tác xã sản xuất lúa chất lượng cao với tổng diện tích hơn 47.680ha trên địa bàn 11 huyện, với trên 20 công ty tham gia liên kết theo chuỗi sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Tiếp đến, ngành thủy sản tỉnh tổ chức sản xuất khoảng 300 ha nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-biofloc, Biofloc… năng suất tôm từ 10-12 tấn/ha tăng lên 30-50 tấn/ha; thực hiện 6 điểm trình diễn, chuyển giao quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn trong ao lót bạt cho người nuôi tôm, năng suất trung bình hơn 26 tấn/ha.

[Bầu bổ sung Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang]

Ngoài ra, Công ty Trấn Phú áp dụng công nghệ lồng nuôi Na Uy nuôi cá chim trắng, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá bóp, cá mú… trên vùng biển Phú Quốc đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tỉnh đã chứng nhận và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm gồm: hồ tiêu Phú Quốc, hồ tiêu Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao), khóm Tắc cậu (Châu Thành), sầu riêng Hòa Thuận (Giồng Riềng), khoai lang Bông Súng (Giồng Riềng), măng cụt sông Cái Bé (Giồng Riềng), gạo 1 bụi trắng U Minh Thượng, bí đỏ Vàm Răng (Hòn Đất), sò huyết An Biên-An Minh, vọp U Minh Thượng, cá trê và vùng đệm U Minh Thượng… để giới thiệu đến người tiêu dùng, khách du lịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết giai đoạn 2017-2020, tỉnh phát triển các vùng trồng trọt tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những sản phẩm chủ lực như lúa, rau màu, xoài, khóm, mía… giai đoạn 2017-2020 với tổng diện tích đến năm 2020 hơn 100.000ha.

Ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, sử dụng giống năng suất và chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, sáp dụng quy trình sản xuất tốt.

Nhiều loại sản phẩm nông sản được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP như lúa, rau màu, hồ tiêu, khóm, chuối, xoài. Các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản tập trung sản phẩm đạt chất lượng cao đã từng bước tạo được thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục