Tăng cường công tác bảo vệ các loài chim hoang dã khi mùa di cư đến

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cơ quan kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã trong mùa chim di cư.
Tăng cường công tác bảo vệ các loài chim hoang dã khi mùa di cư đến ảnh 1Đàn cò nhạn quý hiếm hơn 1.000 con di cư về Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát. (Ảnh minh hoạ: Thanh Tân/TTXVN)

Hôm nay, 27/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay đã đến mùa chim di cư (khoảng từ đầu tháng Chín năm trước đến tháng Tư năm sau), dự báo tình hình săn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư tại các địa phương sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cơ quan kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn.

[Thiết lập hệ thống giám sát đường bay của chim di cư tại Việt Nam]

Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương triển khai, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh trên địa bàn ký cam kết không mua, bán, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang đã không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định.

Cơ quan thú y và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm tăng cường theo dõi, phát hiện, xử lý các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục