Ngày 17/11, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp với Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả Dự án Khảo sát kỹ thuật xác định khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ giai đoạn 2 tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Hội nghị được tổ chức nhằm công bố kết quả hoàn thành việc triển khai Dự án; thông báo ý kiến của nhà tài trợ về kết quả của Dự án và các chương trình, dự án dự kiến triển khai tiếp theo. Đồng thời, Hội nghị cũng lắng nghe ý kiến, mong muốn của địa phương sau khi Dự án kết thúc, trên cơ sở đó có đánh giá cụ thể, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nội dung Dự án.
Năm 2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ kinh phí thông qua NPA để VNMAC xây dựng Quy trình khảo sát kỹ thuật xác định khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ và thử nghiệm tại hai xã Hương Lâm và Sơn Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Trung tâm đã báo cáo kết quả đạt được sau khi hoàn thành với Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Quy trình được lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam cho phép áp dụng vào các dự án do VNMAC thực hiện, đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ để thực hiện quy trình khảo sát kỹ thuật này.
Giai đoạn 1 của Dự án diễn ra từ tháng 10-12/2019, giai đoạn 2 từ tháng 1-10/2020. Dự án đặt mục tiêu tổ chức khảo sát 244 điểm bằng chứng về bom mìn, vật nổ và 163 khu vực nghi ngờ ô nhiễm, trong phạm vi 38 thôn của 10 xã thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm: Hồng Thượng, Hồng Thái, Phú Vinh, Hồng Hạ, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Trung, Hương Lâm, A Đớt, Đông Sơn; xác định khu vực ô nhiễm, góp phần giải phóng đất đai phục vụ ổn định dân sinh lâu dài và phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.
[Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh]
Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp, Phó tổng giám đốc VNMAC, Trưởng ban Quản lý dự án cho biết VNMAC tổ chức các buổi làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế và huyện A Lưới; cùng NPA xây dựng tài liệu Dự án, báo cáo các cơ quan chức năng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai Dự án.
Ngày 24/9/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Khảo sát kỹ thuật xác định khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ-Giai đoạn 2" tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
VNMAC đã thành lập Ban Chỉ huy công trường, 4 đội khảo sát để triển khai Dự án với tổng số 22 người, đầy đủ trang bị. Lực lượng tham gia Dự án gồm ba bên: VNMAC-Chủ Dự án; NPA-đơn vị hỗ trợ kỹ thuật; địa phương-phối hợp triển khai tại thực địa.
Sau 12 tháng triển khai, với 16 nhiệm vụ được xác định, Dự án đã hoàn thành và đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tuyệt đối an toàn. Dự án đã hoàn thành khảo sát kỹ thuật 910,5 ha/1.578,68ha đất ô nhiễm; xử lý 619 vật nổ.
Trong quá trình thực hiện, Ban Quản lý Dự án, NPA và đơn vị thi công đã nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế, của huyện A Lưới và đặc biệt là của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các xã trong vùng dự án.
Thảo luận, đánh giá tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cho rằng: Điểm mạnh của Dự án là đã được triển khai nhanh, an toàn tuyệt đối, khẳng định được khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ, đồng thời xác định chủng loại, quy mô và mức độ ô nhiễm. Điều này sẽ giúp hoạt động rà phá bom mìn trở nên hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân.
Đây chính là giải pháp kỹ thuật mới nhằm làm giảm khu vực nghi ngờ ô nhiễm, giảm yêu cầu việc rà phá toàn bộ, đồng nghĩa với việc tiết kiệm ngân sách cho chương trình khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ quốc gia được triển khai tại các địa phương.
Tuy nhiên, dự án vẫn có điểm hạn chế là mới chỉ thực hiện khảo sát kỹ thuật được ở nơi có những bằng chứng trực tiếp từ kết quả của việc điều tra phi kỹ thuật và giới hạn ở độ sâu 30cm. Ở độ sâu lớn hơn 30cm, vẫn tiềm ẩn sự ô nhiễm của nhiều loại bom mìn, vật nổ khác nhau.
VNMAC đề xuất lãnh đạo Cơ quan Thường trực, Ban Chỉ đạo 701 cho phép tạm dừng Dự án “Khảo sát kỹ thuật xác định khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ” giai đoạn 2, tiếp nhận viện trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng văn kiện, triển khai dự án giai đoạn 3; giao VNMAC và các cơ quan chức năng hoàn thiện về mặt kỹ thuật với phương pháp khảo sát kỹ thuật xác định khu vực khẳng định ô nhiễm bom mìn, vật nổ làm cơ sở để điều chỉnh phù hợp với tính chất, mức độ ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở Việt Nam, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và áp dụng vào các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên phạm vi toàn quốc./.