Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức đã ký thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Đức về Hợp tác Kinh tế nhằm hiện thực hóa mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước một cách cụ thể, đưa mối quan hệ hợp tác song phương lên mức cao hơn, thực chất hơn, hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho doanh nghiệp hai bên.
Nhằm triển khai kết quả này, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Khóa họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Đức vào ngày 12/1 theo hình thức trực tuyến.
Tại khóa họp này, hai Bộ trưởng đã trao đổi khả năng hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực thương mại và công nghiệp 4.0, chế biến chế tạo, năng lượng, giáo dục-đào tạo nghề.
Hai Bộ trưởng cũng lắng nghe ý kiến và chia sẻ của các doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đang hoạt động tại hai nước như FPT, Đồng Xuân, Trường Đại học Công nghiệp, Bosch, Schaeffler, PNE...
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với Đức, luôn mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai bên.
Bộ Công Thương luôn hướng đến tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là các doanh nghiệp Đức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam bởi đây chính là những nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Về hợp tác năng lượng, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn hợp tác sâu rộng hơn nữa với các đối tác phía Đức, không chỉ đối với phát triển năng lượng truyền thống, năng lượng tái tạo mà còn năng lượng sinh khối, việc lưu trữ và truyền tải điện, đảm bảo an ninh năng lượng cũng như phân bổ các nguồn năng lượng cân bằng, phù hợp, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam.
Về hợp tác công nghiệp, Bộ trưởng đề nghị phía Đức tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện, phụ tùng của các tập đoàn công nghiệp lớn của Đức, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảng bền vững cho nền công nghiệp Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam thành lập "Trung tâm chuyển đổi số sản xuất" để có thể nắm bắt các cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về phía Đức, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Peter Altmaier cho biết, Việt Nam là quốc gia ưu tiên hợp tác của Chính phủ Đức trên thế giới.
Chính phủ Đức cũng như Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức sẽ hỗ trợ hết sức để thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các thỏa thuận về hợp tác thương mại và công nghiệp; trong đócó Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhằm thúc đẩy và tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế, thương mại tốt đẹp giữa hai bên.
[Hiệp định EVFTA: Kết nối, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Đức]
Đây cũng sẽ là cơ chế giúp đỡ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp hai bên thâm nhập thị trường của nhau, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cả hai bên đều phải nỗ lực hợp tác hơn nữa để đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế.
Hai Bộ trưởng cũng nhất trí trong thời gian tới, hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy cơ chế phản ứng nhanh (Fast Track) để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai bên sao cho hiệu quả và hữu ích hơn nữa.
Kết thúc phiên họp, hai Bộ trưởng đã thống nhất phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới và ký kết Biên bản Phiên họp thứ nhất Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Đức; đồng thời, xác định thời gian cho Phiên họp thứ hai trong năm 2022.
Ngoài ra, trong khuôn khổ khóa họp đã diễn ra phiên Tọa đàm về cơ hội hợp tác giữa Đức và Việt Nam trong đó các diễn giả đã dành thời gian trao đổi nhiều đề xuất về các nội dung hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi số, chế biến chế tạo... với sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Đức.
Cộng hòa liên bang Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Việt Nam được Đức xếp hạng đối tác thương mại thứ 24/144 nước xuất khẩu hàng hóa vào Cộng hòa liên bang Đức, hạng 78/144 nước nhập khẩu hàng hóa từ Đức.
Cộng hòa liên bang Đức xác định Việt Nam thuộc nhóm thị trường có nhiều tiềm năng trong Khu vực châu Á, và là đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã chính thức đi vào hiệu lực.
Theo số liệu Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2020, tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 9,08 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 6,05 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019, đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu suy giảm mạnh do đại dịch COVID-19.
Là nền kinh tế hướng tới xuất khẩu, Cộng hòa liên bang Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á. Tuy nhiên, đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức vào Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn hai bên.
Đến hết tháng 11 năm 2020, Cộng hòa liên bang Đức có 378 dự án FDI có tổng vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD, đứng thứ 17/139 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Các dự án tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm.
Một số tập đoàn đa quốc gia của Cộng hòa liên bang Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như Daimler-Chrysler (sản xuất ôtô Mercedes-Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim), Siemens.../.