Tăng hơn 20% lương cơ sở từ 1/7: Người lao động vừa mừng, vừa lo

Để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, khuyến khích người lao động hăng say công tác, Chính phủ sẽ phải tăng cường giải pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát chặt về giá, ổn định kinh tế vĩ mô.
So với 12 lần điều chỉnh trước đây thì đây là lần điều chỉnh tăng lương ngày 1/7 tới là tỷ lệ tăng cao nhất trong lịch sử. T(Ảnh: PV/Vietnam+)
So với 12 lần điều chỉnh trước đây thì đây là lần điều chỉnh tăng lương ngày 1/7 tới là tỷ lệ tăng cao nhất trong lịch sử. T(Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ ngày hôm nay, 1/7, lương cở sở chính thức tăng thêm 20,8%. So với 12 lần điều chỉnh trước đây thì đây là lần điều chỉnh tăng lương với mức tăng cao nhất.

Thế nhưng, không phải tất cả người lao động trong khu vực Nhà nước đều vui mừng với việc tăng lương, bởi rất có thể lương tăng nhưng phụ cấp lại bị cắt giảm. Thêm vào đó, người lao động cũng canh cánh nỗi lo giá cả sinh hoạt thường "té nước theo mưa," thậm chí chưa đến ngày tăng lương nhưng giá cả hàng hóa đã có dấu hiệu rục rịch tăng.

Tăng lương, cải thiện thu nhập

Theo Bộ Nội vụ, việc tăng lương cơ sở là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này, để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế-xã hội đất nước. Đây cũng là giải pháp nhằm đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc, "chảy máu chất xám" trong thời gian vừa qua.

Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở tới hơn 20% đã cho thấy cố gắng rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tăng lương trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn có thể sẽ khiến cho hiệu quả không được như kỳ vọng. Mức tăng hơn 20% mặc dù rất cao nhưng theo các chuyên gia việc điều chỉnh này mới chỉ đủ bù trượt giá sau hơn 3 năm không tăng lương cho người lao động làm việc trong khu vực trả lương bằng ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, không phải người lao động nào làm việc trong khu vực Nhà nước cũng sẽ tăng thu nhập trong đợt điều chỉnh này. Một số người lao động trong các đơn vị sự nghiệp tự thu-tự chi đang gặp khó khăn về kinh tế vừa mừng vừa lo lắng về nghịch lý lương tăng nhưng thu nhập sẽ không tăng mà còn khiến đơn vị khó khăn hơn.

[Hướng dẫn cách tính tiền lương, phụ cấp khi tăng lương cơ sở từ 1/7]

Chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên một tổng công ty nhà nước cho biết do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên thu nhập trong ba năm gần đây của chị Liên ngày càng giảm sút. Nếu tăng tiền lương thì rất có thể công ty lại cắt giảm thêm các phụ cấp khác vì không có nguồn tiền để tăng lương trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia chỉ ra thực tế rằng việc tăng lương sẽ "không phải ai cũng vui". Bởi lẽ, tăng lương cơ sở thì công chức, viên chức, cán bộ làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, người hưởng lương ngân sách sẽ tăng. Tuy nhiên, đối với nhóm lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công, tự thu tự chi hoặc tự chi một phần sẽ khó có thể tăng lương.

“Các đơn vị này sẽ xem xét cân đối thu chi, tính toán dựa trên nguồn tiền lương của đơn vị. Đơn vị nào có nguồn thì có thể tăng chút, đơn vị nào không có nguồn thì đành chịu, phải cân nhắc ‘giật gấu vá vai,’ tăng phần cứng thì giảm phần mềm, dẫn tới lương tăng nhưng thu nhập không tăng,” ông Pham Minh Huân chia sẻ.

Cũng theo ông Huân, những đơn vị tự thu tự chi không có nguồn thì cũng không thể tăng lương. Do đó, muốn kiểm tra liệu đơn vị có nguồn hay không, có minh bạch hay không trong việc thực hiện tăng lương thì tổ chức công đoàn, người lao động… phải chủ động giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó.

Cần có giải pháp kiểm soát giá

Bên cạnh niềm vui được tăng lương từ 1/7, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở lại đang đem lại nỗi lo lắng cho nhiều người lao động về việc giá cả hàng hóa sẽ "té nước" tăng theo, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.

Tăng hơn 20% lương cơ sở từ 1/7: Người lao động vừa mừng, vừa lo ảnh 1Tăng lương có thẻ sẽ kéo giá cả hàng hóa tăng theo.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Vì vậy, theo các chuyên gia, để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác, Chính phủ sẽ phải tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát chặt về giá, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1/7,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội-ông Nguyễn Trường Giang khẳng định thời gian qua, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc này, khi thực hiện tăng lương cơ sở đi cùng với đó là kiểm soát, điều hành giá. Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó có các giải pháp kiểm soát giá, thông qua quy định giá đối với các mặt hàng thiết yếu, kê khai giá… Các giải pháp trong Luật Giá (sửa đổi) nhằm kiểm soát giá.

Đối với mặt hàng kê khai giá, trong Luật Giá quy định kiểm soát giá kê khai trên thị trường. Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt trong bối cảnh từ 1/7 sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Với sự sát sao vào cuộc từ sớm của Chính phủ và sự giám sát của Quốc hội, ông Nguyễn Trường Giang nhận định tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra.

Mặc dù đánh giá những tháng cuối năm sẽ còn đối diện thách thức, áp lực về lạm phát nhưng bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng nguồn cung của hàng hóa hiện nay đang đảm bảo rất tốt các nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu cho đời sống của người dân. Do đó, việc tăng lương sẽ kéo theo giá cả hàng hóa tăng lên nhưng sẽ không có sự tăng lên một cách đột biến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục