Tăng nhiều cơ sở ghép gan: Bệnh nhân bị ảnh hưởng

Do có nhiều cơ sở y tế, nguồn bộ phận hiến tặng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt khiến nguy cơ tử vong hoặc thải ghép rất cao.
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Liver Transplanation (Ghép gan) của Mỹ, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các cơ sở y tế thực hiện việc ghép gan  cũng  đồng nghĩa với việc bệnh nhân có thể phải tiếp nhận các cơ quan hiến tặng chất lượng thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết khi có nhiều cơ sở y tế có các bệnh nhân nhưng  danh sách người hiến tặng là không nhiều thì các cơ sở này càng có khả năng tiếp nhận cơ quan hiến tặng ở mức nhiều nhất có thể để đáp ứng cho nhu cầu bệnh nhân của mình.

Vì vậy, các bác sỹ nhiều khả năng phải lấy cơ quan hiến tặng sẵn có đầu tiên để tiến hành ghép cho người bệnh nằm ở đầu danh sách mà không có nhiều cơ hội để cân nhắc thấu đáo khả năng thành công của ca ghép do sợ cơ quan hiến tặng này sẽ được trao cho trung tâm khác.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích số liệu từ hơn 38.000 ca ghép gan, những người nhận bộ phận gan hiến tặng từ những người đã khuất trong khoảng thời gian từ năm 2003 tới năm 2009. Các ca ghép gan này được thực hiện tại 112 cơ sở y tế tại 47 khu vực phân phối. Một số khu vực chỉ có một cơ sở y tế và một số khu vực thì có nhiều cơ sở y tế.

John Paul Roberts, thuộc Đại học California, San Francisco cùng các cộng sự thực hiện nghiên cứu này thấy rằng “có sự khác nhau đáng kể về mặt lâm sàng” cho thấy tại các khu vực có nhiều cơ sở y tế phải cạnh tranh nguồn bộ phận hiến tặng, các bệnh nhân nhận các bộ phận hiến tặng bị yếu đi nhiều so với tình trạng trước đó, có nguy cơ tử vong hoặc thải ghép rất cao.

Ví dụ, chỉ có 10% bệnh nhân nhận bộ phận hiến tặng tại các trung tâm không có sự cạnh tranh gặp phải những vấn đề xấu hơn so với tình trạng trước khi ghép gan còn tại các khu vực có sự cạnh tranh cao, tỷ lệ này là hơn 28%. Các khu vực có sự cạnh tranh cao cũng cấy ghép nhiều cơ quan được xem là có nguy cơ thải ghép cao hơn.

Tuy nhiên, theo Michael Charlton, một nhà nghiên cứu bệnh gan thuộc Trung tâm cấy ghép lâm sàng Mayo ở Rochester, Minnesota, thì người bệnh nên tự quyết định vấn đề cấy ghép khi gan của họ đã quá yếu.

Ông cho rằng phương pháp đánh giá sự cạnh tranh này – thông qua việc so sánh thị phần của mỗi cơ sở cấy ghép tại một khu vực nhất định – không ảnh hưởng tới uy tín của một cơ sở đã thực hiện nhiều ca ghép gan tốt. Một cơ sở danh tiếng, có nguồn hiến tặng phong phú thì sẽ không phải cạnh tranh nhiều so với các cơ sở khác và có thể có các ca ghép thành công hơn./.  

Ngọc Cương

Tin cùng chuyên mục