Tăng thuế thuốc lá: 'Đòn bẩy' để gần 1 triệu người tránh tử vong sớm

Hiện nay, giá thuốc lá tại Việt Nam được xếp vào mức rẻ nhất trên thế giới. Chỉ cần chưa đến 10.000 đồng là bất cứ ai cũng có thể mua được một bao thuốc lá.
Tăng thuế thuốc lá: 'Đòn bẩy' để gần 1 triệu người tránh tử vong sớm ảnh 1Việt Nam có hơn 15 triệu người đang hút thuốc lá. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Hút thuốc lá hiện nay đã trở thành thói quen của rất nhiều người ở bất kỳ nơi đâu, từ khu vực nông thôn tới thành thị.

Anh N.P.Th (35 tuổi), ở Hưng Yên cho hay, anh hút thuốc lá nhiều năm nay, do thói quen nên anh hút thuốc lá nhãn hiệu T.L. Chỉ với 10.000 đồng, anh đã có thể mua một bao thuốc lá 20 điếu. Với bao thuốc lá này anh có thể hút trong khoảng 1-2 ngày với giá cả rất phải chăng.

[Nghiên cứu mới: Nguy cơ mắc ung thư do sử dụng thuốc lá điện tử]

Chính vì giá thuốc rẻ, chỉ khoảng 500 đồng/điếu nên rất nhiều người dân từ khu vực thành thị tới nông thôn, từ thanh niên “choai choai” mới lớn đến những người thu nhập thấp, người già, người trung niên đều dễ dàng mua sản phẩm này.

Không chỉ riêng anh Th. mà hiện nay rất nhiều bạn trẻ cho hay họ hút thuốc lá bởi đây là mặt hàng dễ mua, giá cả phải chăng. Nhiều người còn cho rằng đây là cách thể làm mình “thoải mái tinh thần” mà không tốn kém chi phí.

15,6 triệu người Việt trên 15 tuổi đang hút thuốc

Hiện nay, giá thuốc lá tại Việt Nam được xếp vào mức rẻ nhất trên thế giới. Điều dễ thấy là tại các cửa hàng bán tạp hóa từ khu vực nông thôn tới thành thị hầu như đều bán thuốc lá.

Chỉ cần chưa đến 10.000 đồng là bất cứ ai cũng có thể mua được 1 bao thuốc 20 điếu “phì phèo” trong 1-2 ngày.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, những năm qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do giá thuốc lá của Việt Nam vẫn rất rẻ. Ông Khuê dẫn chứng, giá của một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là chỉ 6.000 đồng/bao, phổ biến là ở mức dưới 20.000 đồng/bao.

Theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia về phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm của Văn Phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, việc giá thuốc ở Việt Nam quá rẻ so với các quốc gia, với giá 1 bao thuốc khoảng 10-20.000 đồng. Thực tế cho thấy, tỷ lệ thuế và giá bán thấp, thuốc lá ngày càng rẻ, phổ cập và dễ mua là nguyên nhân chính khiến lượng người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam lớn.

“Như tại Mỹ giá từ 7-8 USD một bao thuốc, trẻ em không có tiền mua. Hay ở Pháp sẽ thấy người ta hay xin, mua của nhau 1 điếu thuốc, vì để mua 1 bao thuốc tốn rất nhiều tiền, lên tới mấy chục USD,” bác sỹ Lâm dẫn chứng.

Ở Việt Nam, theo điều tra hút thuốc ở người trưởng thành được tiến hành gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45%, nữ giới là 1,1%. Trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có một người hút thuốc.

Như vậy, có 15,6 triệu người Việt Nam trên 15 tuổi đang hút thuốc lá - đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về số người hút thuốc cao nhất. Bên cạnh đó, có 28,5 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà, có 5,9 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc.

Tăng thuế thuốc lá: 'Đòn bẩy' để gần 1 triệu người tránh tử vong sớm ảnh 2

Những hậu quả do thuốc lá gây ra đó là gánh nặng bệnh tật và kinh tế nặng nề cho Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam thuốc lá gây ra trên 40.000 ca tử vong mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030 nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

Tổn thất kinh tế do thuốc lá gây ra ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm. Những tổn thất này bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau bệnh tật và tổn thất do tử vong sớm do hút thuốc gây ra ở Việt Nam.

Thuế thuốc lá Việt Nam thuộc nhóm rất thấp

Thuế thuốc lá Việt Nam thuộc nhóm rất thấp so với thế giới và trong khu vực.  Theo Luật thuế hiện hành, thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá bằng 70% giá xuất xưởng.

Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phân tích, tuy nhiên, khi tính theo chuẩn quốc tế đó là tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 35,6% giá bán lẻ. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%) và thấp hơn đa số các nước ASEAN, trong khi các nước còn lại tỷ lệ này đạt từ 53-70%.

Chính vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

 

Về sức mua thuốc lá của người Việt Nam, theo tổng kết từ Qũy Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), do thu nhập tăng nhanh hơn mức tăng giá thuốc lá (điều này đồng nghĩa thuốc lá trở nên rẻ đi so với thu nhập) nên sức mua thuốc lá của người dân đã tăng lên nhiều trong những năm qua. Từ năm 2005 đến 2016, thu nhập danh nghĩa theo đầu người đã tăng lên gấp 4,7 lần trong khi giá thuốc lá chỉ tăng 2,2 lần.

Thống kê của WHO và Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, tăng thuế thuốc lá có tác động đến hành vi tiêu thụ thuốc lá. Cụ thể, khi tăng thuế để giá thuốc lá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển, đặc biệt, sẽ giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở nhóm người trẻ tuổi và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc.

Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong nhóm học sinh lớp 12 giảm tương ứng với mức tăng giá thuốc lá qua các năm.

Tăng thuế thuốc lá: 'Đòn bẩy' để gần 1 triệu người tránh tử vong sớm ảnh 3(Nguồn: Gaijinpot)

Đề xuất những “đòn bẩy” mạnh

Hiện nay, tăng thuế thuốc lá là một trong những giải pháp chính trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 39% vào năm 2020.

Trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt bao gồm mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành xuống mức 39% vào năm 2020. Điều tra toàn cầu về hút thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) ước tính tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành ở Việt Nam là 45%. Như vậy, để đạt được mục tiêu quốc gia, thì đến năm 2020 tỷ lệ hút thuốc cần giảm 6,3% so với năm 2015.

Phương án tăng thuế hiện nay trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân đề xuất: từ 1/1/2020 áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗ hợp, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu, 15.000 đồng/điếu xì gà.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế của WHO, với phương án tăng thuế như trên thì đến năm 2020 tỷ lệ hút thuốc của nam giới sẽ giảm được khoảng 1,5% so với tỷ lệ hiện tại là 45,3% (ước tính từ điều tra GATS năm 2015).

Như vậy, với đề xuất tăng thuế hiện tại của Chính phủ, mặc dù tỷ lệ người hút thuốc đã giảm, tuy nhiêm mức giảm khá khiêm tốn (1,5%) và còn cách xa so với mức cần thiết là giảm 6,3% để đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020.

Phân tích về mối liên quan giữa tăng thuế thuốc lá và mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc lá, chuyên gia về kinh tế thuốc lá của WHO ước tính, để việc tăng thuế giúp đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia thì thuế thuốc lá cần tăng đủ cao để có thể tác động làm giảm 3% (tuyệt đối) tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020.

Để đạt được mục tiêu như trên thì thuế thuốc lá cần tăng ở mức 2.000 đồng/bao. Cụ tể, từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao. Với lộ trình này, ước tính thu thuế của Chính phủ sẽ tăng thêm 6.300 tỷ đồng mỗi năm. Điều quan trọng hơn là số người hút thuốc sẽ giảm được khoảng gần 600.000 người và sẽ tránh được khoảng 300.000 ca tử vong sớm trong tương lai.

Tăng thuế thuốc lá: 'Đòn bẩy' để gần 1 triệu người tránh tử vong sớm ảnh 4

Theo các chuyên gia, hiện nay mức thuế và giá thuốc ở Việt Nam còn rất thấp, vì vậy Việt Nam nên cân nhắc một mức thuế cao hơn nữa. “Chúng tôi khuyến cáo mức thuế tối ưu Việt Nam nên áp dụng là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 5.000 đồng/bao. Cụ thể đề xuất là: Từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao,” tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh.

Với mức thuế này, thì tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm 6,5%, điều này sẽ giúp 1,8 triệu người bỏ buốc và qua đó sẽ giúp 900.000 người tránh được tử vong sớm trong tương lai, đồng thời với phương án này sẽ giúp nguồn thu thuế của Chính phủ tăng thêm khoảng 10.700 tỷ đồng.

Theo WHO, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá cần phải ở mức 60% đến 80% giá bán lẻ thuốc lá. Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ. Theo tính toán thì giá trung bình của một bao thuốc lá 20 điếu có xu hướng giảm (12.700 đồng Việt Nam/bao năm 2010 và 11.819 đồng Việt Nam/bao năm 2015 sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát). Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá là hợp lý, bởi giá thuốc lá của Việt Nam đang ở mức thấp./.

Nghị quyết số 20 ban hành ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đã nêu rõ hướng chỉ đạo: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng.”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục