Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương nghiên cứu, chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư công với chất lượng, tiêu chuẩn cao nhất.
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022 ảnh 1Thi công dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Lê Hồng Phong, phường 4, thành phố Vị Thanh, Hậu Giang. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Sáng 26/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, đã làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30/9, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương đã phân bổ chi tiết 100% vốn đầu tư công, giải ngân được 2.603/12.539 tỷ đồng được giao, đạt 20,77%, 7/12 đơn vị có giải ngân thấp dưới 20% như Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam…

Dự kiến đến hết năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết giải ngân 57,88%, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội 74%, Bộ Thông tin và Truyền thông 89,15%, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 14,91%, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 40%…

Đại diện các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương cho biết sẽ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm và báo cáo một số vướng mắc khó khăn đang gặp phải.

[Các giải pháp trọng tâm bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công]

Cụ thể, theo tổng hợp ý kiến, phản ánh của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư công chủ yếu là về thẩm quyền phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành thông tư để tháo gỡ ngày 19/10); chưa có quy định nhất quán cho phép tách khâu giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, tài sản đảm bảo các khoản vay lại.

Trong tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn chưa sát với khả năng thực hiện; khảo sát thiết kế chưa tốt; quá trình triển khai dự án còn bất cập, hạn chế do tính đặc thù của từng bộ, ngành, năng lực chưa tốt của chủ đầu tư, ban quản lý dự án; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (đơn giá đền bù, khiếu kiệu của người dân).

Báo cáo cụ thể những dự án đang gặp khó khăn, không giải ngân được, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương đã đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong năm 2022.

Đối với những dự án có thể giải ngân nhưng đang chậm trễ, các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương mong muốn các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng… phối hợp chặt chẽ để giải quyết ngay những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án; đề xuất kéo dài thời gian thực hiện.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nỗ lực hết sức, tháo gỡ đến cùng, không để tình trạng có tiền mà không tiêu được; đồng thời những dự án không giải ngân được thì khẩn trương làm thủ tục để hoàn trả lại vốn đã phân bổ về ngân sách.

Đặc biệt, các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để xử lý những khó khăn, vướng mắc mang tính đặc thù trong lĩnh vực khoa học, văn hóa trong các dự án đầu xây dựng cơ bản.

Qua các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương nghiên cứu, chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư công với chất lượng, tiêu chuẩn cao nhất.

“Thay vì xây mới 10 công trình, có thể chỉ làm 1-2 công trình nhưng phải có định mức kỹ thuật phù hợp, làm thật kỹ càng, chuẩn mực, đấy là tiết kiệm nhất,” Phó Thủ tướng nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục