Ngày 16/11, tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing của Mỹ xác nhận Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công Hệ thống phóng không gian (SLS) mang theo tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo, trong đó tầng trung tâm của SLS đáp ứng tốt các yêu cầu trong sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng mang tên Artemis 1 này.
Boeing là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất tầng trung tâm của SLS - hệ thống tên lửa mạnh nhất của NASA tính đến thời điểm hiện nay.
Trong vụ phóng Artemis 1, SLS đã tạo ra lực đẩy kỷ lục khoảng 4.000 tấn, trở thành phương tiện mạnh nhất trong lịch sử được phóng lên thành công.
Theo Boeing, sau 8,5 phút bay, tầng trung tâm của SLS đã hoàn thành nhiệm vụ và tách khỏi tầng đẩy, đưa tàu thám hiểm Orion của NASA thực hiện hành trình đầu tiên quanh Mặt Trăng.
Ông Jim Chilton, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách các vụ phóng và thám hiểm không gian của Boeing cho biết: “Lần đầu tiên sau 50 năm, giờ đây, nước Mỹ đã có khả năng phóng tên lửa siêu nặng. Chuyến bay thử nghiệm này là một minh chứng về sự đổi mới kỹ thuật và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ NASA, cũng như các đối tác quốc tế của cơ quan này, trong việc đưa con người trở lại thám hiểm không gian sâu."
[Tàu Orion phóng thành công, bắt đầu hành trình thám hiểm Mặt Trăng]
Trong sứ mệnh Artemis 1, tầng trung tâm của SLS (cao gần 65m) đã thực hiện tốt nhiều chức năng quan trọng như nạp và làm rỗng các thùng nhiên liệu, kích hoạt hệ thống thủy lực, khởi động và tắt động cơ, chạy các chương trình kiểm soát vector lực đẩy trong chuyến bay...
Artemis 1 là chuyến bay đầu tiên của SLS, nhằm đưa tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo, với mục tiêu thử nghiệm khả năng sẵn sàng của các phương tiện này trong việc đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng.
Tiếp sau nhiệm vụ Artemis 1, các phi hành gia sẽ thực hiện hành trình vào năm 2024 và 2025 trong nhiệm vụ Artemis 2 và Artemis 3.
NASA muốn xây dựng một trạm vũ trụ trên Mặt Trăng có tên là Gateway và duy trì sự hiện diện lâu dài trên hành tinh này trước khi thực hiện sứ mệnh đưa con người lên Sao Hỏa vào năm 2030./.