Tăng trưởng tín dụng: Tốt nhưng vẫn cần kiểm soát!

Cơ cấu tín dụng từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung.
Tăng trưởng tín dụng: Tốt nhưng vẫn cần kiểm soát! ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo số liệu mới nhất từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chính nhờ động thái tích cực của lãi suất khi lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm dần, tín dụng đã tăng trưởng tích cực. Ước tính đến cuối tháng Bảy, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,8%.

Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua, đóng góp tích cực trong tăng trưởng kinh tế.

Tập trung vào sản xuất kinh doanh

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, cơ cấu tín dụng chuyển dịch rất tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%, công nghiệp tăng 10,34%. Cùng đó, những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ.

Theo chia sẻ của người đứng đầu ngành ngân hàng, để có được kết quả tích cực trên, ngay từ những tháng đầu năm, ngành đã thực hiện các giải pháp tín dụng để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Đây là yếu tố chính giúp tín dụng liên tục tăng nhanh và đều qua các tháng từ đầu năm, không để xảy ra tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào những tháng cuối năm như những năm trước.

Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, dòng vốn ngân hàng đang chảy vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ cao…

Còn ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, tăng trưởng tín dụng của VietinBank gắn chặt chẽ tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh doanh theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Cụ thể, tín dụng đã tăng mạnh trong 5 lĩnh vực ưu tiên với tốc độ tăng trưởng khoảng 15% so với tốc độ tăng chung toàn ngành là 10%.

Ngoài ra, theo ông Thọ, trong thời gian qua, tín dụng cũng chuyển dịch mạnh cơ cấu vào sản xuất kinh doanh. Theo thống kê của VietinBank có khoảng 95% tín dụng vào sản xuất kinh doanh, còn lại 5% là cho vay bất động sản và chứng khoán.

"Có thể nói nguồn vốn đang chuyển dịch mạnh mẽ vào những khu vực trực tiếp sản xuất dịch vụ," ông Thọ nhấn mạnh.

[Các chuyên gia thận trọng về thông tin lợi nhuận ngân hàng tăng cao]

Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm, hiện chiếm 53,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 55,1%); tín dụng ngắn hạn ước chiếm tỷ trọng 46,1% (cuối năm 2016 chiếm 44,9%).

Nhưng mặt khác, cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định, tín dụng bằng VND chiếm khoảng 91,7% tổng tín dụng; tín dụng ngoại tệ chiếm 8,3% tổng tín dụng.

Cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng

Tại phiên họp thường kỳ tháng Bảy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suất ở mặt bằng thấp và xem xét nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên ít nhất 20% trong năm nay.

Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, đây là động thái nhằm giúp Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay. GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 5,73% nên để đạt mục tiêu đề ra, GDP 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 7,4%, là mức cao kể từ năm 2007.

Cũng theo phân tích của HSC: “Áp lực lạm phát thấp nên sẽ vẫn an toàn khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thêm một chút – do CPI 6 tháng qua chỉ tăng 2,52% so với cùng kỳ trong khi tỷ giá ổn định sau khi tăng 1,2% từ đầu năm, nên HSC thấy không có nhiều rủi ro về mặt vĩ mô khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng."

Nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng được các chuyên gia của HSC nhận định, đây là thông tin tích cực cho cổ phiếu ngân hàng. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm để đạt mục tiêu 20%, thì đây sẽ là thông tin tích cực cho cổ phiếu ngân hàng.

Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ về tăng trưởng tín dụng

HSC phân tích, thu nhập lãi thuần đóng góp 80% vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng và thu nhập này phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ NIM. Tỷ lệ NIM ở nhiều ngân hàng chỉ tăng nhẹ nhờ tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất cao tăng lên đã bù đắp vào sự sụt giảm ở lợi suất trái phiếu.

Báo cáo của HSC cho thấy, 7 ngân hàng niêm yết do HSC theo dõi công bố lợi nhuận 6 tháng tăng 22,7% so với cùng kỳ (VCB, CTG, BID, EIB, ACB, STB, MBB). “Chúng tôi ước tính 7 ngân hàng niêm yết đạt 18.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Chúng tôi cũng dự báo 7 ngân hàng này sẽ đạt 36.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2017 (tăng trưởng 18%). HSC giả định tăng trưởng tín dụng tổng hợp của 7 ngân hàng này là 17,2%. Do vậy nếu tăng trưởng tín dụng nới lên 20% trong khi những biến số khác giữ nguyên thì lợi nhuận trước thuế của 7 ngân hàng niêm yết có thể cao hơn 12% so với ước tính của chúng tôi,” HSC nhận định.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn nhất trí việc tăng chỉ tiêu tín dụng, tuy nhiên Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với kiểm soát được ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, đưa tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến kinh tế vĩ mô./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục