Tăng vai trò của báo chí trong xóa đói giảm nghèo

Báo chí cần phải xác định tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo là truyền thông thay đổi hành vi chứ không phải tuyên truyền một chiều.
Khẳng định vai trò của báo chí trong việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững, ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội đã chia sẻ một số kinh nghiệm về tổ chức nội dung tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Phong, các cơ quan báo chí cần phải tư duy, lựa chọn và làm thế nào để các nội dung tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo có sự hấp dẫn bạn đọc; xác định tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo là truyền thông thay đổi hành vi chứ không phải tuyên truyền một chiều. Vì vậy nguyên tắc của truyền thông đặc biệt là trong giảm nghèo phải được thực hiện đa hình thức và thường xuyên, liên tục.

Ý kiến của ông Phong được đưa ra trong Diễn đàn đa chiều “Xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng bền vững” đã được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 6/3.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cùng đông đảo đại diện nhiều bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế ở Trung ương và Hà Nội tham dự diễn đàn.

Hoạt động thiết thực này góp phần tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Đây cũng là cơ hội thảo luận đa chiều, tập hợp ý kiến, kinh nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước về hoạt động xóa đói giảm nghèo; tạo cơ hội kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp, tìm ra những hướng đi mới của công tác xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu ghi nhận, trong nhiều năm qua, công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững đã và đang được thực hiện có hiệu quả trên quy mô toàn quốc.

Theo chuẩn nghèo mới, đến cuối năm 2012, tỷ lệ nghèo cả nước còn khoảng 10%, riêng các hộ nghèo tỷ lệ nghèo bình quân khoảng 45%, giảm 5%/ kế hoạch 4% so với cuối năm 2011; người nghèo tập trung ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 90%...

Để phát triển bền vững đất nước, ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết giải quyết vấn đề nghèo đói là thể hiện mạnh mẽ cam kết của Đảng, Nhà nước với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế đi đôi với xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo vẫn còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao.

Bên cạnh những thành tựu, hạn chế của công tác xóa đói giảm nghèo, vai trò của các chính sách vĩ mô, các doanh nghiệp, của quốc tế và các tổ chức phi chính phủ... trong thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam cũng được các đại biểu bàn thảo tại Diễn đàn./.

Mỹ Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục