Tạo “bộ lọc” thu hút FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam

Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế-tài chính cấp cao Học viện Tài chính về việc thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam.
Khu biệt thự, nhà liền kề trong khu đô thị Gamuda Gaderns (Gamuda City) tại Hà Nội với vốn đầu tư từ Tập đoàn bất động sản Malaysia - Gamuda Land. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Khu biệt thự, nhà liền kề trong khu đô thị Gamuda Gaderns (Gamuda City) tại Hà Nội với vốn đầu tư từ Tập đoàn bất động sản Malaysia - Gamuda Land. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Để dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường bất động sản Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn phát triển kinh tế-xã hội đất nước; quá trình thu hút vốn cần thực hiện một cách cẩn trọng, có cân nhắc, chọn lựa, tính toán và phù hợp với quy hoạch.

Đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên TTXVN với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế-tài chính cấp cao Học viện Tài chính.

- Những năm qua, lĩnh vực bất động sản luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư quan tâm. Theo ông, đâu là những lý do để Việt Nam thu hút được dòng vốn này?  

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh: Thời gian qua, lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn luôn là lĩnh vực có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài, sau công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân để dòng vốn FDI đi vào lĩnh vực bất động sản. Đó là, Việt Nam có sự ổn định về chính trị, tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cũng là quốc gia tích cực cải thiện môi trường đầu tư. Nhờ đó, thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định cần thiết.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thu nhập người dân cải thiện, đặc biệt Việt Nam có lực lượng lao động trẻ đang có thu nhập tăng nhanh và nhu cầu nhà ở cao ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… và các khu vực tập trung các khu công nghiệp lớn, kéo theo nhu cầu về nhà ở, du lịch, nghỉ dưỡng và các dịch vụ tăng lên. Điều này đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn và đặc biệt là đầu tư cho những khu nghỉ dưỡng ngày càng cao.

Thu nhập tăng cao đi đôi với đô thị hóa làm cho nhu cầu về nhà ở tăng thêm đáng kể. Tuy nhiên, phân khúc cao cấp cũng như biệt thự đang là nhu cầu rất lớn trong thời gian qua. Vì thế, phân khúc này cần vốn đầu tư, kỹ thuật và trình độ quản lý cũng cao hơn. Do vậy, phân khúc này tạo điều kiện cho vốn FDI đầu tư vào nhiều hơn. 

[Dịch bệnh COVID-19: Đầu tư bất động sản có nên "dò đáy?"]

Bên cạnh đó, phải nói đến lợi thế về du lịch, đường biển. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.000 km, với rất nhiều cảnh quan và bãi tắm đẹp, có nhiều vùng sông, núi thuận lợi cho xây dựng các khu nghỉ dưỡng.

Việt Nam cũng rất đa dạng về địa hình đầm phá, sông ngòi, đồng bằng, trung du, vùng núi cao, các di tích lịch sử, văn hóa đa dạng đang có rất nhiều vị thế đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đắc địa, hứa hẹn đem lại hiệu quả đầu tư cao. Đây là sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, quá trình hội nhập cũng được đẩy nhanh. Nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại tăng nhanh, nhất là nhu cầu thuê căn hộ, khách sạn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế tại các đô thị lớn cũng như các khu du lịch trên địa bàn cả nước…

Ông có cho rằng việc cải cách thủ tục hành chính và đổi mới cơ chế quản lý cũng như chính sách mở cửa của Việt Nam thời gian qua đã đủ “lực” để tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh: Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản các khu công nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam đã đầu tư và đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường cao tốc liên vùng, giúp thúc đẩy sự giao lưu kinh tế - văn hóa thuận tiện giữa các vùng trong nước.

Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục hành chính và đổi mới cơ chế quản lý cũng như chính sách mở cửa ngày càng sâu rộng và quyền của nhà đầu tư nước ngoài được luật pháp quan tâm một cách đầy đủ khi các nhà đầu tư FDI được quyền mua bất động sản ở Việt Nam theo những chính sách mở cửa của Chính phủ Việt Nam cũng làm cho nguồn vốn FDI tăng lên.

Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA)…, nên nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu từ nước ngoài.

Chính vì thế, yêu cầu đầu tư phát triển bất động sản công nghiệp đang là cơ sở tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp và của nền kinh tế trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Đây là những điểm nổi bật làm cho thu hút FDI của Việt Nam tăng lên trong thời gian qua.

Thưa ông, để dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chúng ta cần có những giải pháp nào?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh: Để dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, theo tôi quá trình thu hút FDI cần thực hiện một cách cẩn trọng, có cân nhắc, chọn lựa, tính toán và phù hợp với quy hoạch.

Trước hết, cần quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội chi tiết, tỷ mỷ, cụ thể. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch phát triển bất động sản hợp lý, ổn định, phù hợp với nhu cầu phát triển ngắn hạn, trung và dài hạn. Quy hoạch hợp lý đầu tư bất động sản sẽ giúp đáp ứng đầy đủ, kịp thời các cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp lý có liên quan đến việc mua bán, sở hữu và sử dụng các loại bất động sản khác nhau. Về nguyên tắc thị trường, việc mua bán chỉ được thực hiện khi có sản phẩm hàng hóa đúng nghĩa.

Tạo “bộ lọc” thu hút FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam ảnh 1(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Tuy nhiên, do giá trị lớn, thời gian xây dựng lâu dài, Việt Nam đã chấp nhận cho các chủ đầu tư “bán trước” các sản phẩm. Nhưng các quy định pháp lý thiếu cụ thể, chưa chặt chẽ nên xảy ra nhiều tranh chấp. Hơn nữa, hình thức mua, bán căn hộ dịch vụ du lịch (condotel) chưa có các quy định pháp lý cụ thể nên cũng là những vấn đề nổi cộm của thị trường.

Ngoài ra, chúng ta cần tạo ra “bộ lọc” các nhà đầu tư và các dự án FDI bằng các tiêu chuẩn, có cơ chế xem xét, thẩm định về nguồn tài chính, thiết kế, dự toán, khả năng xây dựng và quản lý để lựa chọn được các nhà đầu tư tốt, có kinh nghiệm, thực lực, khả năng kết nối thị trường du lịch, bất động sản quốc tế.

Việc liên doanh, liên kết với các tập đoàn bất động sản lớn trên thế giới cũng đang được các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản trong nước chú trọng. Theo ông, chúng ta cần có những khuyến cáo gì cho doanh nghiệp bất động sản trong nước trong việc liên doanh, liên kết này?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, việc liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài một phần để thu hút vốn, kỹ thuật, các nhà đầu tư có chất lượng, tầm nhìn và có khách hàng quen thuộc ở các nước có nền kinh tế phát triển, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài cho các dự án. Việc liên kết này còn tạo cho thị trường bất động sản luồng sinh khí mới, tạo ra đầu tư thực chất, gắn đầu tư với sản xuất, kinh doanh thực. 

Tuy nhiên, cần xác định cách thức và phương án liên doanh, liên kết, cẩn trọng trong hợp tác kinh doanh. Hơn nữa, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải cẩn trọng trong tìm kiếm đối tác ngoại khi liên doanh, liên kết; đồng thời, tìm kiếm và xác định hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài có nguồn lực, kỹ năng trong xây dựng, kinh doanh bất động sản, có mục đích thực chất và gắn bó lâu dài trong quyết định đầu tư.

Việc liên doanh, liên kết với các tập đoàn bất động sản lớn trên thế giới, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản trong nước sẽ tận dụng được lợi thế về vốn, nhân lực, kỹ thuật… và học được họ rất nhiều điều để sau khi kết thúc quá trình liên doanh, liên kết, lĩnh vực bất động sản Việt Nam có được thị trường tốt, nền tảng văn hóa cũng như nền tảng kinh doanh tốt hơn.

Có như vậy, thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản mới đạt được mong muốn là tạo ra sự tăng trưởng về FDI trong trước mắt nhưng đặt nền móng, sự bề thế cho quốc gia trong tương lai.

Vậy ông nhận định như thế nào về thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới? Đặc biệt, khi hầu hết nền kinh tế các nước trên thế giới đang gặp khó khăn khi phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19? 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh: Trong năm 2020, với những lợi thế của Việt Nam, thị trường bất động sản vẫn đang duy trì những lợi thế đó, đặc biệt là lợi thế về điều kiện tự nhiên, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư gắn với việc Việt Nam được nâng hạng năng lực cạnh tranh và vẫn được đánh giá là nơi đầu tư ổn định, an toàn.

Do đó, tôi hy vọng thị trường bất động sản sẽ sáng hơn những năm trước để chúng ta phát triển ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp sẽ dẫn đến nhiều vấn đề mới phát sinh mà chúng ta không lường trước được.

Mong rằng các chủ đầu tư, các đối tác trên thị trường bất động sản đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và thanh lọc thị trường, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, đẩy mạnh tìm kiếm, tìm hiểu và xác định mục tiêu và đối tác để thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020.

- Xin cám ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục