Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thương mại xuyên biên giới

Hiện nay, rất nhiều tổ chức, cá nhân và các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng về xuất nhập khẩu phản ánh thực trạng khó khăn, vướng mắc liên quan tới tình hình thương mại xuyên biên giới.
Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thương mại xuyên biên giới ảnh 1Hàng hóa nông sản xuất nhập nhập khẩu ra vào bãi xe cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Trong thế giới "phẳng" hiện nay, thương mại xuyên biên giới đang trở thành xu thế tất yếu, đặc biệt trên các nền tảng điện tử.

Tuy nhiên, để thực sự có môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, mang tính động lực giúp khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu xuyên biên giới là vấn đề đang rất được dư luận xã hội quan tâm.

Hiện nay, rất nhiều tổ chức, cá nhân và các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng về xuất nhập khẩu phản ánh thực trạng khó khăn, vướng mắc liên quan tới tình hình thương mại xuyên biên giới.

[Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản hai tháng đầu năm đạt khoảng 6,28 tỷ USD]

Cụ thể như việc kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ; đã nộp thuế qua online, nhưng phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan.

Hay như thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản; các thủ tục hành chính còn nhiều  điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan.

Dịch vụ logistics chưa có chuỗi toàn diện như cảng biển, kho tàng, bến bãi, nên còn phức tạp chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, hàng phải bảo quản lạnh chưa có chỗ chứa ở khu vực cảng.

Tình trạng ùn tắc hàng hóa thường xuyên xảy ra tại các cửa khẩu sang Trung Quốc trong khi đó chưa đầu tư xây dựng kho lạnh. Chi phí cho lao động tại cảng, giao thông nội địa cao gần gấp đội so với chi phí cảng biển. Lãi suất vay tăng cao, tỷ giá biến động trong biên độ cao. Hóa đơn đầu vào của các mặt hàng nông dân sản xuất chưa có nên khó khăn cho việc hạch toán chi phí. Nhà nước cũng còn đang bỏ trống và "thả lỏng" khung giá của một số loại phí và thuế.

Nguồn nhân lực làm việc trong các doanh nghiệp đa số chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này, lái xe cũng cần phải đào tạo những kiến thức cơ bản trong quá trình vận chuyển, giao nhận hàng...

Điều này khiến cho hoạt động thương mại xuyên biên giới chưa thực sự phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng, chưa tạo được động lực thúc đẩy giúp lĩnh vực xuất nhập khẩu có những đột phá mới.

Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thương mại xuyên biên giới ảnh 2Trồng chuối xuất khẩu tại huyện Đắk Đoa, Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương Lương Thu Hương cho biết trong nhiều vấn đề vướng mắc của thương mại xuyên biên giới, nổi lên bức xúc là quy định về phòng cháy chữa cháy. Do ảnh hưởng hệ lụy từ nhận thức của các doanh nghiệp trong giai đoạn cách đây từ hơn 10 năm trước, không ít các doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh có vi phạm phần nào đó, nay thực hiện quy định mới về phòng cháy chữa cháy đang phải đứng trước 2 khả năng. Một là sẽ phải xây dựng mới toàn bộ nhà xưởng - cơ sở sản xuất kinh doanh dẫn tới sự tốn kém, khó thực hiện. Hai là nếu không có thể sẽ phải đóng cửa doanh nghiệp.

Đối với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, đại diện Hiệp hội Vận tải thành phố Hải Phòng cho biết về cơ bản, sản phẩm hàng hóa xuất và nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam đi các nước trên thế giới bị tác động nhiều bởi các thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục thông quan, hãng tàu kho bãi cấp phát vỏ container, cùng với các quy định về việc cung cấp thông tin cá nhân, xuất trình photocopy căn cước công dân hay sử dụng phần mềm GPGe Depot khó khăn, gây nhiều bức xúc lo ngại thông tin cá nhân bị lộ lọt, kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp.

Một khó khăn nữa là việc khai báo hải quan hiện nay chủ yếu dưới hình thức phi mậu dịch như quà biếu, quà tặng qua đường chuyển phát nhanh; nhất là với các mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành.

Đặc tính của hàng thương mại điện tử là số lượng nhỏ, giá trị thấp và do cá nhân gửi do vậy các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng Nhà nước sẽ quản lý hàng thương mại điện tử bằng cách sớm ban hành cơ chế tạo thuận lợi thương mại cho không chỉ doanh nghiệp mà kể cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Để hoạt động thương mại xuyên biên giới mang lại hiệu quả cao, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, kiến nghị Nhà nước và các cơ quan chức năng cần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, tiếp tục giảm thiểu các thủ tục không cần thiết, rút ngắn các thủ tục xuất nhập khẩu thương mại, đầu tư; khuyến khích, phát triển các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu xuyên biên giới.

Đồng thời, tăng cường để rút ngắn giai đoạn thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh tế số và thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử…

Song song đó, các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của tỉnh, của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, tập huấn cho các doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu không chỉ đối với Trung Quốc mà trong tất cả các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do song và đa phương (FTA) với Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục