Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Pháp đến Đà Nẵng

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường khẳng định thành phố sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Pháp, đến đầu tư sinh sống và làm việc.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường tiếp bà Emmanuelle Pavillon- Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường tiếp bà Emmanuelle Pavillon- Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 15/3, tại thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường tiếp Đoàn công tác do bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại thành phố.

Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết Đà Nẵng được xác định là hạt nhân tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Đà Nẵng là thủy sản, dệt may, da giày, cơ khí, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, thành phố tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực. Cơ cấu kinh tế của thành phố hướng đến “Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp.”

Đà Nẵng có quan hệ hợp tác với 48 địa phương của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành phố vinh dự được nhận giải thưởng "Thành phố thông minh Việt Nam" và nhiều giải thưởng khác. Thời gian qua, thành phố thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với Vùng Nord-Pas de Calais.

Trong 14 năm hợp tác, nhiều dự án thiết thực tại Đà Nẵng đã được Hội đồng Vùng Nord-Pas de Calais tài trợ, triển khai hiệu quả với tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng; nổi bật có dự án nâng cao giá trị Bảo tàng Chăm, xây dựng trụ sở Câu lạc bộ tiếng Pháp, dự án Tín dụng nhỏ, dự án Bảo trì Đầm Rong...

Ông Trần Chí Cường mong muốn trong chuyến thăm lần này Tổng lãnh sự sẽ làm cầu nối giúp phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các đối tác Pháp và thành phố Đà Nẵng trên các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch và phát triển cảng; giúp quảng bá, vận động các nhà đầu tư Pháp đến khảo sát môi trường đầu tư, tìm kiếm khả năng kinh doanh tại Đà Nẵng. Đồng thời, Tổng Lãnh sự ủng hộ các hoạt động trao đổi văn hóa, giới thiệu văn hóa và con người Pháp đến thành phố Đà Nẵng cũng như giúp giới thiệu văn hóa và con người Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đến người dân Pháp.

ttxvn_Da nang-Phap1.jpg
Đại biểu đoàn Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các đại biểu thành phố Đà Nẵng tại buổi tiếp. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ghi nhận những ý kiến của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser chia sẻ các thông tin về việc kết nối, hợp tác giữa Pháp và thành phố Đà Nẵng.

Để thu hút các nhà đầu tư từ Pháp, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser mong muốn chính quyền thành phố sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho công dân Pháp đến làm việc và lưu trú tại địa phương; đồng thời tiếp tục mở rộng các hoạt động về đào tạo giáo dục theo mô hình giáo dục châu Âu để khi các gia đình người Pháp đến có thể ở, làm việc và học tập tại đây. Việc này cũng sẽ tạo nên nguồn nhân lực để thúc đẩy việc hợp tác cho cả hai bên.

Ông Trần Chí Cường khẳng định thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Pháp đến đầu tư sinh sống và làm việc tại địa phương. Thành phố đã có nhiều cơ sở giáo dục dạy tiếng Pháp trong nhà trường. Thành phố cũng khuyến khích các nhà đầu tư Pháp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Cùng với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, thành phố Đà Nẵng có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với Pháp. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang Pháp ước đạt 14 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu từ Pháp ước đạt 13 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính là cần câu cá, sản phẩm dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ. Mặt hàng nhập khẩu chính là cao su nguyên liệu, hóa chất, thuốc tây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục