Tạo điều kiện cho các nước bảo hộ công dân ở Việt Nam

Bộ Ngoại giao đã kịp thời thông báo và giải quyết việc thăm, tiếp xúc lãnh sự của phía nước ngoài, bảo đảm và tạo điều kiện cho phía nước ngoài thực hiện công tác bảo hộ công dân của mình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Chiều 18/3, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao về tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam.

Liên quan đến tình hình công dân nước ngoài vi phạm pháp luật ở Việt Nam, báo cáo đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trên cơ sở thông tin của các cơ quan chức năng, Bộ Ngoại giao đã kịp thời thông báo và giải quyết việc thăm, tiếp xúc lãnh sự của phía nước ngoài, bảo đảm và tạo điều kiện cho phía nước ngoài thực hiện công tác bảo hộ công dân của mình.

Năm 2023, Bộ Ngoại giao đã thông báo 285 trường hợp người nước ngoài bị bắt giữ, khởi tố, tạm giam, xét xử, truy tố (chủ yếu là các tội “Mua bán trái phép chất ma túy,” “Vận chuyển trái phép chất ma túy,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Cố ý gây thương tích”, “Giết người”...); 70 trường hợp đến chấp hành án phạt tù tại các trại giam Việt Nam; 108 trường hợp chấp hành xong án phạt tù.

Bộ phối hợp thu xếp 414 trường hợp thăm, tiếp xúc lãnh sự; thông báo đồng ý thăm, tiếp xúc lãnh sự đối với 337 trường hợp.

Về trường hợp người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm khác chưa đến mức xử lý hình sự, theo thống kê tại các tỉnh, thành phố phía Nam từ Đà Nẵng-Cà Mau có 304 trường hợp vi phạm hành chính, chủ yếu là nhập cảnh trái phép (113 trường hợp, chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có biên giới giáp với Campuchia như An Giang, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh); 92 trường hợp quá hạn tạm trú, 60 trường hợp lừa đảo qua mạng chưa đến mức xử lý hình sự; 16 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy; 13 trường hợp trộm cắp tài sản; 5 trường hợp cướp giật tài sản.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ đã thông báo 37 trường hợp người nước ngoài bị khởi tố, tạm giam, xét xử, truy tố; 20 trường hợp đến chấp hành án phạt tù tại các trại giam Việt Nam; 13 trường hợp chấp hành xong án phạt tù; 11 trường hợp người nước ngoài vi phạm hành chính; phối hợp thu xếp 65 trường hợp thăm, tiếp xúc lãnh sự; thông báo đồng ý thăm, tiếp xúc lãnh sự đối với 77 trường hợp.

Với chức năng đối ngoại theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho phía nước ngoài việc công dân của họ bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù... do vi phạm pháp luật Việt Nam để phía nước ngoài có thể thực hiện công tác bảo hộ công dân của mình; và theo đề nghị của phía nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng cho phép cơ quan đại diện nước ngoài thực hiện thăm lãnh sự đối với công dân nước mình đang bị giam giữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục