Tạo động lực từ chính sách và hướng tới đời sống người dân

Những tuyến đường cao tốc, quốc lộ, con đường nông thôn rộng mở, ánh sáng điện lưới đến từng bản làng xa xôi cho thấy diện mạo xã hội, đời sống kinh tế đang đổi mới từng ngày.
Tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh đi qua nút giao Minh Khai nhìn từ trên cao. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh đi qua nút giao Minh Khai nhìn từ trên cao. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Thực hiện đường lối đổi mới, người dân Việt Nam đang có điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây.

Những tuyến đường cao tốc, quốc lộ, con đường nông thôn rộng mở, ánh sáng điện lưới đến từng bản làng xa xôi, những mái nhà ấm cúng cùng sự trù phú khắp miền quê cho thấy diện mạo xã hội, đời sống kinh tế đang đổi mới từng ngày.

Đó cũng là một trong những lý do giải thích vì sao sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo được toàn dân Việt Nam đồng tình, hưởng ứng và tích cực phấn đấu thực hiện.

Thành quả trong hành trình đổi mới do Đảng lãnh đạo, dẫn dắt đã tạo nên sự “thay da đổi thịt” trên mọi miền đất nước, được người dân đón nhận với lòng biết ơn và gửi trọn vẹn niềm tin yêu.

Hạ tầng giao thông "lột xác," người dân hưởng "trái ngọt"

Ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển giao thông đi trước một bước, tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhờ đó, sau 35 năm Đổi mới, hạ tầng giao thông Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ và “lột xác." Các mục tiêu phát triển được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, phát triển hạ tầng cơ sở là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Vì vậy, xây dựng hạ tầng giao thông vận tải với phương châm “đi trước mở đường” được xem là mũi nhọn đột phá.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hạ tầng giao thông Việt Nam từ khi đổi mới đến nay đã có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.

Một số công trình giao thông được quy hoạch và đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại như đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển quốc tế đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới, góp phần tạo diện mạo mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước mạnh mẽ. Bên cạnh những dự án giao thông trọng điểm tạo các trục xương sống, trong những năm qua, với chủ trương xây dựng nông thôn mới, hàng vạn km đường đã được xây dựng trên cơ sở phát huy tốt các hình thức xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng và bảo trì công trình giao thông nông thôn.

[Đầu tư giai đoạn 2 đường trục KĐT mới Mê Linh đoạn xen kẹp qua Hà Nội]

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, với việc phát triển giao thông nông thôn phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giao thông vận tải, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, qua đó góp phần giúp nhiều vùng nông thôn xóa đói giảm nghèo.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đánh giá, việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải thời gian qua đã giúp nhiều vùng khó khăn của Việt Nam có cơ hội phát triển. Nếu như nhiều năm trước, khi hàng không chưa phải là phương tiện phổ thông như bây giờ, từ hai đầu đất nước, nếu muốn đến khu vực miền Trung, phải vượt qua những sông lớn, đèo cao cheo leo, hiểm trở trên hành trình dọc Quốc lộ 1A độc đạo và một phần đường Hồ Chí Minh.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước sau những năm 2000, các dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng bắt đầu được đầu tư xây dựng. Và đến nay, khi Quốc lộ 1 được nâng cấp, mở rộng hoàn thành từ Lạng Sơn vào đến Cần Thơ cùng với hơn 1.000 km cao tốc được đưa vào khai thác đã giúp khoảng cách giữa các tỉnh, thành phố được rút ngắn, xích lại gần nhau hơn. Điều này thực sự đem lại những “cú hích” về phát triển kinh tế cho các địa phương.

Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho các dự án giao thông mang tính dân sinh, xóa đói giảm nghèo. Là một địa phương được hưởng lợi từ chủ trương giao thông “đi trước mở đường," ông Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho hay, đây là địa bàn miền núi nghèo nhất cả nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, đặc biệt là hạ tầng giao thông nên diện mạo nhiều nơi của huyện miền núi Hoàng Su Phì đã có nhiều khởi sắc về kinh tế.

Ông Triệu Sơn An dẫn chứng, việc Bộ Giao thông Vận tải dành ưu tiên nguồn vốn nâng cấp mở mới Quốc lộ 4D nối với tỉnh Lào Cai đã giúp các địa phương nơi có tuyến đường đi qua thay đổi từng ngày.

Ngay sau khi dự án được đưa vào sử dụng cuối năm 2020, nhiều giải pháp phát triển kinh tế đã được đưa ra để tận dụng lợi thế địa phương đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, đem lại những cơ hội mới trong phát triển kinh tế.

Là xã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án nâng cấp, mở mới Quốc lộ 4D, ông Lý Chìu Mình, Phó Bí thư thường trực xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì chia sẻ, xã có hơn 650 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Dao, Nùng, Mông… nhưng lại trên 40% hộ nghèo.

Trước đây, bà con tăng gia sản xuất nhưng sản phẩm rất khó tiêu thụ. Nay đường đã xong, việc trao đổi hàng hóa của bà con dễ dàng hơn nhiều, giúp gia tăng thêm thu nhập. Dự kiến số hộ nghèo của địa phương giảm 5-6% trong thời gian tới.

Góp thêm vào điểm sáng trong phát triển hạ tầng giao thông phải nhắc đến những “cánh chim sắt” trên bầu trời đã biến việc di chuyển tưởng như rất xa xỉ của loại hình giao thông này cách đây 10 năm trở thành phổ thông.

Người dân nhiều vùng quê lần đầu tiên được di chuyển bằng phương tiện giao thông hiện đại, văn minh với chi phí hợp lý. Chính tốc độ phát triển nhanh của ngành hàng không đã giúp cho nhiều tỉnh có lợi thế về du lịch khẳng định thế mạnh và ngày càng trở nên hấp dẫn cả du khách trong nước, quốc tế.

Những chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển hạ tầng giao thông đã thể hiện hướng đi đúng đắn, tạo động lực để các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế và người dân được hưởng “trái ngọt," không phân biệt giàu nghèo, tự mình vươn lên, xóa đói giảm nghèo bền vững.

* Đưa dòng điện thắp sáng muôn nơi

Xóm Cồn Chim, thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vốn là địa bàn khó khăn khi đón dòng điện lưới bởi nằm lọt thỏm giữa đầm Thị Nại, bốn bề mênh mông sóng nước.

Nhiều năm qua, người dân sống trong cảnh đò ngang cách trở, đời sống nhiều khó khăn, nguồn điện sinh hoạt không ổn định bởi việc cấp điện cho 250 hộ dân với 1.200 nhân khẩu chỉ dựa vào một tuyến điện 0,4 kV độc đạo vượt đầm Thị Nại, lấy nguồn từ trạm biến áp ở đất liền.

Thêm vào đó những trận lũ nhiều năm qua đã phá hỏng tất cả hệ thống điện tạm này khiến người dân ốc đảo thêm phần khốn khó.

Tạo động lực từ chính sách và hướng tới đời sống người dân ảnh 1Đoạn Quốc lộ 91 qua nội ô thành phố Long Xuyên đang được thi công nâng cấp để chống ngập úng khi mưa và triều cường dâng cao. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Trước tình hình đó, Công ty Điện lực Bình Định đã đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống lưới điện 22 kV, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn điện sinh hoạt và sản xuất cho hơn 250 hộ dân ốc đảo này.

Có nguồn điện mạnh, ổn định cũng đồng nghĩa với việc người dân có thêm con đường để phát triển kinh tế, mở ra nhiều hy vọng.

Ông Hồ Văn Nhân-Trưởng xóm Cồn Chim, xã Phước Sơn phấn khởi khoe, từ khi có trạm điện mới, dòng điện mạnh, người dân có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.

Đây cũng là mong ước chung lớn nhất đã biến thành hiện thực của nhiều người dân cả đời gắn bó với xóm này. Nhiều hộ đã tính đến việc phát triển thêm các ngành nghề khai thác, sơ chế hải sản giúp cải thiện kinh tế.

Thôn Cả, huyện miền núi Bá Thước là một trong số 11 huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hoá với 3/4 diện tích đồi núi, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối nên cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả.

Ông Phạm Minh Quang, Bí thư Chi bộ thôn Cả cho hay, thôn có 253 hộ dân, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và địa hình đường núi hiểm trở khó đi. Trước đây, điện áp 1 pha không đủ cho người dân sử dụng. Nhà nào nấu cơm trước thì chín trước, nhà nào nấu muộn sau thì ăn cơm sống.

Nhưng nhiều năm qua, ngành điện lắp thêm điện 3 pha về để người dân vùng núi có thể sử dụng được cả các thiết bị đèn, quạt, tủ lạnh, tivi màu và máy xay xát phục vụ đời sống… Từ khi có điện về, đời sống người dân trong thôn đã có sự đổi khác.

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cùng với việc đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế, ngành điện đã có rất nhiều nỗ lực để ưu tiên đưa điện đến với người dân ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Từ đó, góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Đến nay, 100% số xã và 99,3% số hộ dân nông thôn trên cả nước có điện, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, hiệu quả vận hành hệ thống điện ngày càng được nâng cao. Đây chính là minh chứng trung thực nhất để khẳng định "không ai bị bỏ lại phía sau."

Để phát triển kinh tế thì “điện-đường-trường-trạm” đang những yếu tố hạ tầng cơ bản và quan trọng để tạo ra động lực, thúc đẩy thành công. Trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành công nghiệp điện đóng vai trò quan trọng.

Gắn liền với lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đến nay, ngành điện đã khẳng định sứ mệnh, trách nhiệm, từng bước đóng góp vào xây dựng nền kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Nếu năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, tổng công suất nguồn điện cả nước chỉ 1.326 MW, sản lượng điện sản xuất 2,95 tỷ kWh thì đến nay, sau hơn 46 năm, hệ thống điện Việt Nam đã đạt tổng công suất nguồn điện trên 69.000 MW, điện năng sản xuất đạt khoảng 250 tỷ kWh. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 23 trên thế giới.

Đồng thời, cơ cấu nguồn điện được đa dang hóa; trong đó công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối... chiếm tỷ trọng cao, khoảng 51%. Theo báo cáo của EVN, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Bằng nỗ lực và sự đổi mới của mình, các doanh nghiệp ngành điện đã góp phần đưa ánh sáng đi muôn nơi, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân các vùng khó khăn.

Đây cũng là dẫn chứng sống động về những thành tựu đổi mới tại Việt Nam, chứng minh rằng con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ đem lại hiệu quả tích cực về kinh tế khi các địa phương dần "thay da, đổi thịt" mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội, giúp cải thiện cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội - tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Hiện thực hóa giấc mơ “an cư”

Xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo an sinh xã hội, đó là lợi ích của nhân dân - đây là một trong những vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam."

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với sự mong mỏi của người dân mà gần gũi thiết thực nhất là các chương trình nhà ở xã hội mang đậm tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội.

Tạo động lực từ chính sách và hướng tới đời sống người dân ảnh 2Dự án nâng cấp, cải tạo QL 53 Trà Vinh - Long Toàn có điểm đầu trên QL 53 thuộc xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành và điểm cuối giao với huyện lộ 81, thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2020, cả nước đã thực hiện hỗ trợ 352.000 hộ thuộc Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, đạt khoảng 93,3% kế hoạch.

Cùng đó, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn  cũng thực hiện được 118.240/240.000 hộ nghèo đăng ký vay vốn làm nhà ở, với tổng số vốn đã cho vay khoảng 2.956 tỷ đồng, đạt 49,3% kế hoạch của cả Chương trình. Đáng chú ý, tình trạng hộ không có nhà ở đã giảm 10 lần so với năm 2009.

Có mặt tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong ngày hè nắng nóng mới thấy hết những khó khăn của người dân nơi vùng đất miền Trung nắng gió chịu nhiều ảnh hưởng khắc nghiệt của thiên nhiên.

Không những thế, đây còn là địa bàn tập trung nhiều đối tượng người có công nhất trong cả nước. Tại thị xã này, mất mát trong chiến tranh để lại nỗi đau cho nhiều người ở lại, đó là các gia đình liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng.

Đón khách trong ngôi nhà còn tươi màu vôi, nhiều gia đình người có công với cách mạng không khỏi xúc động khi kể về căn nhà mới được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Đặc biệt, tại những vùng đất còn nhiều khó khăn như Quảng Nam, sự trợ giúp của chương trình càng thêm ý nghĩa.

Có căn nhà khang trang, nhiều hộ gia đình chính có công với cách mạng ở đây đã bớt nỗi lo chạy lụt khi lũ về; có những người vợ liệt sỹ góa chồng khi tuổi mới đôi mươi và nay bà đã cận kề tuổi 80 đã yên tâm an hưởng tuổi già dưới mái ấm tình nghĩa này.

Với quan điểm không ai bị bỏ lại phía sau, các chương trình hỗ trợ nhà ở được thực hiện một cách toàn diện trên khắp mọi miền Tổ quốc. Sau mỗi mùa lũ lụt, công sức lao động, tiết kiệm để kiến thiết, xây dựng nhà ở của nhiều hộ dân vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bị “quét sạch."

Hàng năm, số tiền cứu trợ từ ngân sách có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vì thế, chương trình hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở thông qua mô hình xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt sẽ giải quyết một cách căn bản vấn đề phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân trong vùng, đặc biệt là người nghèo để giúp họ có cuộc sống an toàn, ổn định.

Lệ Thủy - huyện bị ngập lụt nặng nhất cũng là nơi nước rút muộn nhất tỉnh Quảng Bình trong đợt lũ lụt lịch sử cuối năm 2020 khiến nhiều hộ dân nơi đây bị cuốn trôi hết tài sản, lâm vào cảnh “trắng tay."

Thế nhưng, cũng có những gia đình rộng cửa đón láng giềng vào trú ngụ qua những ngày gian khó trong ngôi nhà được xây cất theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” từ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg (Quyết định 48) của Chính phủ hỗ trợ người nghèo ở 14 tỉnh miền Trung xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.

Đúng như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, những ngôi nhà tránh lũ này một lần nữa bảo vệ tính mạng người nghèo và đặc biệt là giúp họ có chỗ ở an toàn, góp phần tránh tái nghèo vì thiên tai…

Ông Nguyễn Văn Được ở thôn Mỹ Thủy, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy cho rằng mình đã may mắn khi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Bình để xây căn nhà vượt lũ nên đã giữ được an toàn cả tài sản và tính mạng trong đợt lũ lụt vừa qua.

Những căn nhà như vậy đã phát huy tác dụng khi lũ về tại một thôn có tới 90% hộ gia đình có nhà bị ngập trong nước, bị cô lập nhiều ngày. Đây cũng là một trong gần 2.500 ngôi nhà vượt lũ khác tại Quảng Bình vẫn hiên ngang, kiên cố sau trận lũ lịch sử năm 2020, giúp người dân giảm bớt tổn thất, nhanh chóng khôi phục lại đời sống.

Chia sẻ về hiệu quả của chương trình nhà chống lũ, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung đã phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo sinh mạng và tài sản cho người dân trong mùa bão lụt suốt 10 năm qua.

Không riêng gì người dân nông thôn, miền núi, khu vực thường xuyên xảy ra bão lũ... mà ngay cả người có thu nhập thấp tại các đô thị cũng không thể nuôi dưỡng giấc mơ về nơi “an cư” nếu không có “trợ lực” từ chính sách.

Ông Đặng Văn Tích, cư dân Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội đánh giá, nhà ở xã hội là chủ trương hợp lòng dân, phù hợp với những hộ khó khăn về nhà ở, cán bộ công nhân viên làm việc ở Hà Nội không đủ tiền để mua nhà ở thương mại.

Nhờ chính sách nhà ở xã hội mà người dân được vay với lãi suất ưu đãi, được trả góp kéo dài trong nhiều năm đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình thu nhập thấp như ông có cơ hội mua nhà, ổn định cuộc sống.

Trong những năm qua, nhờ gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, hàng chục nghìn hộ người nghèo, người thu nhập thấp đô thị đã được cải thiện chỗ ở. Chị Nguyễn Vân Anh, cư dân Khu nhà ở xã hội Rice City, Tây Nam Linh Đàm, Hà Nội chia sẻ, nếu không có dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thì năm nay chắc cả gia đình chị vẫn phải ở thuê trong những phòng trọ chật chội, ẩm thấp. Tuy căn nhà có diện tích nhỏ, chỉ 53m2 nhưng đem lại niềm vui vô bờ cho gia đình 3 nhân khẩu chị Vân Anh bởi họ đã chấm dứt được cảnh ngược xuôi thuê nhà bao năm qua.

Chính sách này là một trong những giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng-chị Vân Anh khẳng định.

Dưới đường lối dẫn dắt của Đảng, chặng đường đổi mới và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã gắn liền với công bằng xã hội. Hàng loạt chính sách thiết thực về phát triển hạ tầng giao thông, đưa điện lưới quốc gia về với vùng sâu vùng xa, các chương trình nhà ở xã hội đã chứng minh tính hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển xã hội và thực sự hướng tới người dân.

Đây cũng là điều mà Việt Nam đang xây dựng-một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người; phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục