Tạo lập chính sách: Hóa giải điểm nghẽn thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

Trình độ quản lý của tầng lớp lãnh đạo, nhận thức về các vấn đề để nâng cao được khả năng cạnh tranh về chất lượng, về chi phí, khả năng giao hàng đã được doanh nghiệp Việt nâng lên một bước đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiến lên những nấc thang cao hơn của các linh kiện đòi hỏi về công nghệ cao hơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiến lên những nấc thang cao hơn của các linh kiện đòi hỏi về công nghệ cao hơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài không ngừng tăng lên trong thời gian qua, song để tận dụng hiệu quả nguồn lực trong nước, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ thì cần đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó điểm nhấn là vai trò của địa phương trong triển khai các chính sách từ Trung ương, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Đây cũng là nội dung chính của tọa đàm: “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương,” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 29/8.

Gia tăng cả về số lượng và chất lượng

Toyota là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tên tuổi hoạt động gần 30 năm tại thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty ôtô Toyota Việt Nam đánh giá các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể cả về chất và lượng trong thời gian qua.

Cụ thể, về mặt số lượng, từ đánh giá ban đầu có hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đạt được chứng chỉ ISO/TS 16949, tuy nhiên, đến hiện tại thì con số này đã đạt được trên 500. Còn về chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam đã tiến lên những nấc thang cao hơn của các linh kiện đòi hỏi về công nghệ cao hơn, ví dụ như dập rèn, hay là các linh kiện cho những dòng xe mới.

“Một vấn đề hết sức quan trọng mà Toyota nhận thấy đó là trình độ quản lý của tầng lớp lãnh đạo, nhận thức về các vấn đề để làm sao nâng cao được khả năng cạnh tranh về chất lượng, về chi phí, về khả năng giao hàng đã được nâng lên một bước đáng kể. Rất nhiều doanh nghiệp đã hiểu rất rõ và áp dụng một cách thành thục các tiêu chuẩn như là 5S hay có những hệ thống để tổ chức đào tạo cho người lao động,” đại diện Công ty ôtô Toyota Việt Nam chia sẻ.

Với làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, do vậy để nắm bắt được cơ hội thị trường, việc đầu tư công nghệ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà sản xuất nước ngoài là một trong những yếu tố tiên quyết để giúp các doanh nghiệp nội có thể thành công.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech chia sẻ, ngoài những nhu cầu, tiêu chí truyền thống như chất lượng, giá cả, tiến độ giao hàng, các khách hàng cũng có những tiêu chuẩn và yêu cầu rõ ràng, như trách nhiệm xã hội, sản xuất thông minh, phát triển xanh, phát triển bền vững… và doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các yêu cầu đó.

167A7763.JPG
Nhiều doanh nghiệp nội đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các đối tác lớn quốc tế. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, ông Dương Minh Hải, Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN cho biết với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Ban lãnh đạo KIMSEN đã có một định hướng chiến lược chuyển sang phát triển lĩnh vực gia công cơ khí cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, những sản phẩm của KIMSEN đã tham gia cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI hoạt động tại Việt Nam và xuất khẩu.

“Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng trên 50% sản lượng của công ty là dành cho các hoạt động xuất khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp FDI trong nước,” ông Dương Minh Hải nói.

Tạo lập thị trường

Có thể thấy, chính sách về công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua cũng đã tương đối hoàn thiện. Cụ thể, năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng có nằm ở rất nhiều văn bản pháp luật như Luật Đầu tư, các luật quy định về thuế…

Tuy vậy, từ góc độ địa phương, ông Lê Khắc Bảo, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng đánh giá, khó khăn chính của doanh nghiệp trong tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn mà Hải phòng đã thu hút đầu tư trên địa bàn như LG, Bridgestone… đó là khả năng tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Bên cạnh đó, ông Bảo cũng nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ, thiết bị, công tác quản trị doanh nghiệp của một số doanh nghiệp nội còn gặp nhiều khó khăn, cộng với quy mô còn rất nhỏ, về cơ bản chưa làm chủ được máy móc, thiết bị để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp lớn yêu cầu, nên gần như là các doanh nghiệp Việt không thể tham gia được.

“Hiện giờ mặt bằng để sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng còn thiếu, vậy nên để triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố thì Sở Công Thương Hải Phòng cũng tham mưu thành phố tiếp tục đầu tư phát triển các khu, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực lực cao và quản trị doanh nghiệp,” ông Lê Khắc Bảo cho hay.

Vị này cũng cho biết thêm phía Sở Công Thương Hải phòng đang đề xuất một số nội dung để khi các doanh nghiệp lớn đến Thành phố phải có một số ràng buộc, ví dụ như về chuyển giao công nghệ, hay là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào một chuỗi nào đó ở trong sản xuất để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước lên, đảm bảo mục tiêu theo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố đặt ra là 60% các sản phẩm công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn trong nước sản xuất.

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhìn nhận, do doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ gần như không có kế hoạch sản xuất, mà chủ yếu phụ thuộc vào đặt hàng từ những đơn vị sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Chính vì vậy mà tài sản của doanh nghiệp cũng không phải lớn lắm, dẫn đến khi đi vay vốn sẽ có những khó khăn trong quá trình vay tín dụng.

Chính vì vậy, trong các chính sách mà Bộ Công Thương đề xuất tại Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP cũng như tại Luật Phát triển công nghiệp (mới gần đây nhất đã đổi tên thành Luật Sản xuất các sản phẩm công trọng điểm), Cục Công nghiệp đã đưa ra những chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, đến xây dựng các cụm liên kết ngành; cũng như các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như vấn đề tín dụng…

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành cùng với các địa phương xây dựng hai trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại phía Bắc và phía Nam để chung tay cùng với các địa phương hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.

“Trong thời gian tới, Cục tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung cũng như công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng các chính sách tại địa phương để làm sao hỗ trợ được trực tiếp cho các doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế làm sao trong quá trình thu hút đầu tư, cũng phải có những ràng buộc với các doanh nghiệp nước ngoài trong công tác phát triển tỷ lệ nội địa hóa,” ông Phạm Tuấn Anh thông tin thêm.

cnht 1 toan canh 3.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm về Công nghiệp hỗ trợ do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 29/8. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để tạo thêm sức bật cho doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty ôtô Toyota Việt Nam đã nhấn mạnh tới chương trình hợp tác lâu năm với Bộ Công Thương nhằm lựa chọn các nhà cung ứng.

Cụ thể, Toyota sàng lọc và lựa chọn từ một danh sách cơ sở dữ liệu của các nhà cung ứng trên toàn quốc và chọn ra những nhà cung ứng tiềm năng nhất mà có thể phù hợp cho tham gia vào chuỗi cung ứng của công nghiệp ôtô tại Việt Nam. Sau đó, phía Toyota tổ chức chương trình khởi động hàng năm và triển khai hỗ trợ cải tiến hoạt động của những doanh nghiệp đã được lựa chọn.

Ngoài ra, Toyoya cũng cử những chuyên gia lâu năm có kinh nghiệm và cũng có khả năng truyền đạt kiến thức, hiểu biết đến thực hiện tư vấn, phát hiện các vấn đề, chung tay với các nhà cung ứng để đưa ra giải pháp khắc phục, xử lý... qua đó giúp các doanh nghiệp được lựa chọn này có thể từng bước nâng cao chất lượng, cắt giảm các chi phí cũng như nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, từng bước tiến lên trong chuỗi giá trị và có thể là tiệm cận đến việc có thể cung ứng được linh kiện trước mắt là cho Toyota Việt Nam.

“Với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được thì họ lại chung tay cùng Toyota chia sẻ kiến thức, hiểu biết cho các nhà cung ứng ở những năm tiếp theo,” ông Nguyễn Trung Hiếu nêu kinh nghiệm thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục