Phiên họp lần thứ 3 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Slovenia vừa được tổ chức thành công tại thủ đô Ljubljana của Slovenia, tạo xung lực mới cho quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động giao thương, trong thời gian tới.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu, với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành.
Đoàn Slovenia do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Tanja Fajon dẫn đầu, với sự tham gia của đại diện các bộ và cơ quan như Bộ Ngoại giao; Bộ Kinh tế, Du lịch và Thể Thao; Bộ Cơ sở hạ tầng; Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Lương thực; Bộ Chuyển đổi Số; Phòng Công nghiệp và Thương mại Slovenia, cùng một số cơ quan khác.
Tại phiên họp do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Tanja Fajon đồng chủ trì, hai bên đã trình bày về tình hình phát triển kinh tế, thương mại của mỗi nước cũng như các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm và mong muốn hợp tác, đặc biệt là về thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), logistics về cảng biển và hàng không, nguồn nhân lực, nông-lâm-ngư nghiệp, kinh tế và chuyển đổi số, cơ khí chế tạo, văn hóa-du lịch,…
Hai bên đã nghiêm túc rà soát việc triển khai các hoạt động hợp tác song phương kể từ khóa họp lần thứ 2 năm 2019, trong đó nhận thấy quan hệ kinh tế thương mại đã tăng gấp hơn 12 lần, từ mức 46 triệu USD năm 2012 lên 573 triệu USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, cả Slovenia và Việt Nam đều nhận thấy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và triển vọng của hai nước.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các mặt, nhất là về kinh tế-thương mại, du lịch, vận tải và logistics, nhằm giúp hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường Slovenia nói riêng, EU nói chung và ngược lại một cách thuận lợi hơn.
Trong số các vấn đề quan trọng cần thúc đẩy thời gian tới, Việt Nam đề nghị Slovenia sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Hai bên cũng nhất trí duy trì quan hệ truyền thống tốt đẹp, tăng cường trao đổi tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, thường xuyên trao đổi đoàn, đặc biệt vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2024.
Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng Tanja Fajon đã ký Biên bản Khóa họp lần 3 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Slovenia.
Theo bà Majeric, kinh tế Slovenia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Slovenia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Slovenia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia (CCIS) Marjana Majeric đã chủ trì Hội nghị Bàn tròn Hợp tác Doanh nghiệp Việt Nam-Slovenia.
Tham dự có đông đảo doanh nghiệp hai bên hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác về logistics hàng hải, cơ khí, công nghệ cao, vật liệu mới, điện tử, năng lượng xanh…
Chủ tịch CCIS Majeric đánh giá cao sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh đây là dịp quan trọng để hai bên chia sẻ và tìm kiếm các cơ hội hợp tác.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chúc mừng thành công trong phát triển kinh tế của Slovenia và đánh giá cao hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh hai bên chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Kinh tế, Du lịch và Thể thao Slovenia Matjaž Han, hai bên mong muốn đẩy mạnh hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch, phát triển doanh nghiệp và quốc tế hóa.
Du lịch là lĩnh vực quan trọng, đóng góp 10% GDP cho Slovenia. Hiện Slovenia đang tìm kiếm lao động và sẵn sàng hợp tác về lao động cũng như trong lĩnh vực phát triển bền vững.
[Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Slovenia trên tất cả các lĩnh vực]
Cũng tại Slovenia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tới thăm cảng Koper, cảng biển lớn nhất của Slovenia và là một trong ba cảng lớn của vùng biển Adriatic (bên cạnh Trieste của Italy và Rijeka của Croatia), nối với Địa Trung Hải và thông ra Ấn Độ Dương qua kênh đào Suez.
Giám đốc cảng Koper Nevenka Krzan đã giới thiệu về tầm quan trọng chiến lược của cảng đối với cửa ngõ vào EU cũng như kế hoạch phát triển và mong muốn hợp tác với Việt Nam - cửa ngõ vào ASEAN và thành viên của 16 Hiệp định FTA với toàn thế giới.
Nhân dịp chuyến thăm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp kiến Thủ tướng Slovenia Robert Golob, thông báo với Thủ tướng kết quả hoạt động của Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam-Slovenia.
Thủ tướng Robert Golob khẳng định mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực, đồng thời mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả lĩnh vực.
Đại sứ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia Nguyễn Trung Kiên tham dự phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ và các hoạt động của đoàn tại Slovenia.
Theo Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ lần thứ 3 đã đạt kết quả tốt đẹp, tạo xung lực mới cho quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế-thương mại.
Theo Đại sứ, hiệp định EVFTA từ khi đi vào thực thi đã góp phần tạo nên những bước phát triển vượt bậc trong trao đổi thương mại giữa hai nước, trong đó tăng trưởng thương mại song phương luôn đạt từ 15-20%.
Đại sứ cho biết mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Slovenia chưa cao, song kim ngạch thương mại giữa hai nước thời gian qua đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc cả về lượng và chất, trong đó kim ngạch năm sau gấp đôi năm trước liên tục từ năm 2013 tới nay.
Trong hai năm qua, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và bất ổn của nền kinh tế thế giới, kim ngạch thương mại hai nước vẫn giữ vững đà tăng trưởng, trong đó năm 2021 đạt tăng mức tăng 38,3% so với năm 2020 và năm 2022 tăng 14,8% so với năm 2021.
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 573 triệu USD, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt hơn 502 triệu USD, tăng 14,1% so với năm 2021.
Trên cơ sở quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước gần 30 năm qua và với kết quả tốt đẹp đạt được tại phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam-Slovenia lần thứ 3, quan hệ song phương, đặc biệt về kinh tế-thương mại, sẽ có động lực mới để phát triển hơn nữa trong thời gian tới./.