Tập huấn tư vấn tâm lý học đường cho đội ngũ giáo viên các tỉnh thành

Hơn 21.000 giáo viên được nâng cao năng lực trong phòng chống hành vi tự hại và tự tử, tập trung vào các nội dung: Kiến thức chung về thực trạng, nguyên nhân, động cơ tâm lý của học sinh.
Đông đảo thầy cô giáo tham gia tập huấn tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Hôm nay, 8/6, hơn 21.000 cán bộ, giáo viên đã cùng tham dự Tập huấn sử dụng tài liệu và bồi dưỡng, nâng cao năng lực triển khai tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục. Sự kiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với sự phối hợp của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam.

Chương trình tập huấn diễn ra trong hai ngày 8 và 9/6, được tổ chức trực tuyến với hàng trăm điểm cầu kết nối đến đội ngũ nhà giáo các tỉnh thành trên cả nước. Trong đó có nhiều tỉnh thành có số lượng đăng ký tham dự lớn như Cà Mau với trên 8.000 giáo viên ở 44 điểm cầu, Sóc Trăng  với 7.900 cán bộ, giáo viên ở 12 điểm cầu, Nghệ An với gần 2.500 cán bộ, giáo viên ở 11 điểm cầu, Nam Định có 1.000 cán bộ, giáo viên ở 10 điểm cầu…

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho hay số lượng cán bộ, giáo viên đăng ký tham dự tập huấn gấp 7 lần số lượng dự kiến ban đầu. Điều này cho thấy sự quan tâm của các thầy cô giáo, cán bộ và lãnh đạo các cơ sở giáo dục, ngành giáo dục các địa phương về vấn đề này.

Nhấn mạnh học sinh phổ thông là lứa tuổi với đặc điểm tâm sinh lý đang phát triển mạnh, nhận thức các vấn đề trong cuộc sống chưa đầy đủ trong khi lại chịu nhiều tác động từ xã hội và không gian mạng, dễ nảy sinh các hành động tiêu cực, ông Đạt khẳng định công tác tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng.

Số lượng cán bộ, giáo viên đăng ký tham dự gấp 7 lần dự kiến ban đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, trong các trường học không có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường. Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên được tổ chức; quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng,... Đặc biệt, việc tập huấn nội dung hỗ trợ, can thiệp với học sinh có suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương cho bản thân hiện nay đang là vấn đề cần thiết. Chính vì vậy, việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học trong các cơ sở giáo dục là hết sức quan trọng.

[Cần coi trọng tư vấn tâm lý học đường ngang với chuyện thi cử]

Cũng theo ông Đạt, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, để nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ, bảo vệ học sinh trong trường học và cũng để triển khai hướng dẫn một số cơ sở giáo dục thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, giúp cán bộ giáo viên có thêm công cụ để thực hiện ngày càng tốt hơn hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với tổ chức UNICEF biên soạn Tài liệu hướng dẫn thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong hai ngày tập huấn, cán bộ, giáo viên được các chuyên gia hướng dẫn sử dụng Tài liệu này. Các thầy cô cũng được nâng cao năng lực trong phòng chống hành vi tự hại và tự tử, tập trung vào các nội dung: Kiến thức chung về thực trạng, nguyên nhân, động cơ tâm lý của học sinh có nguy cơ, suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử; Hiểu và có khả năng triển khai các quy trình, nhận diện, đánh giá học sinh có nguy cơ, suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử; Thực hành sơ cứu tâm lý và các hoạt động phòng ngừa hành vi tự gây tổn thương, tự tử.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cũng đề nghị các thầy cô chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, những tình huống thực tiễn gặp phải tại các nhà trường để cùng với các chuyên gia, các thầy cô chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để đợt tập huấn đạt hiệu quả cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục